5 XU HƯỚNG SỨC KHỎE SẼ NỞ RỘ VÀO NĂM 2023
Chỉ còn không tới 30 ngày nữa là năm 2022 sẽ kết thúc. Sau những di chứng đặc biệt từ ba năm đại dịch để lại, chúng ta sẽ bước qua năm 2023 với những quan điểm mới và xu hướng mới về chăm sóc sức khỏe.
Nhấn mạnh vào chăm sóc sức khỏe tinh thần
Xu hướng làm việc hybrid và tăng cường chăm sóc sức khỏe là hai hiện tượng quan trọng mà chúng ta có sau một mùa COVID-19 đầy khó khăn. Nhưng thật không may, đối lập với ý thức rèn luyện sức khỏe thể chất để chống lại bệnh tật thì tình hình sức khỏe tinh thần của con người rất đáng báo động.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), COVID-19 khiến 63% người 18 – 24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử. Một khảo sát khác tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở ôxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.
Để bảo vệ sức khỏe tinh thần bản thân trước căn bệnh trầm cảm hậu COVID đang ngày càng phổ biến, ThS.BS Trần Quang Trọng, chuyên viên tâm lý tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có ý kiến như sau: “Những lời khuyên như tạo thói quen sinh hoạt tích cực; hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin tiêu cực; duy trì các mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng, tôn giáo, từ thiện sẽ dành cho bước chăm sóc sức khỏe tinh thần ban đầu.”
Nếu bạn đang cảm thấy tinh thần mình có các dấu hiệu không ổn, có thể tự chữa lành bằng các biện pháp như chuyển sang chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, thử một số hoạt động thể chất tập trung vào hơi thở và hạn chế suy nghĩ tiêu cực như thiền hay yoga. Nếu tình trạng nặng hơn, bạn có thể liên hệ các bệnh viện gần nhất. Hoặc nếu bạn chưa sẵn sàng với việc đối thoại trực tiếp với bác sĩ, có thể tìm đến các địa chỉ tham vấn tâm lý qua điện thoại như: Đường dây nóng Ngày mai, Quán trọ online, Hoa súng…
Chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ lên ngôi là một trong các xu hướng sức khỏe cho tương lai (Ảnh minh họa: Pexels)
Sắp xếp hợp lý các quy trình chăm sóc sức khỏe cho làn da
Less is more – chăm sóc sắc đẹp đơn giản mà hiệu quả là từ khóa cho xu hướng trong năm tới. Sở dĩ có điều này là bởi chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những quán tính trong đại dịch. Trong thời gian phong tỏa, cách ly, chúng ta ít ra ngoài và gắn bó nhiều hơn với khẩu trang nên nhu cầu về trang điểm sẽ giảm mạnh.
Trong một nghiên cứu năm 2022, so với năm 2019, lượng mua đồ trang điểm giảm 19%, chỉ chiếm 16% thị trường toàn cầu, trong khi doanh số bán sản phẩm chăm sóc da tăng vọt — hiện chiếm 42% thị trường toàn cầu, dự kiến sẽ tạo ra 177 tỷ đô la vào năm 2025.
Không chỉ là sự sụt giảm của ngành trang điểm mà trong xu thế khủng hoảng kinh tế được dự đoán trong năm tới, mọi người sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Từ đó dẫn tới việc người tiêu dùng sẽ thực sự cân nhắc tới việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da bền vững, phù hợp với bản thân hơn là chạy theo các xu hướng. Chính vì lẽ đó, mỹ phẩm thuần chay và các thành phần từ thiên nhiên được dự đoán sẽ thay thế trào lưu “treatment” trong năm 2022.
Các phương pháp làm đẹp tại nhà
Không có gì bất ngờ khi các phương pháp làm đẹp tại nhà ngày càng trở nên phổ biến. Dư âm từ mùa dịch với các chính sách hạn chế đi lại và việc các cửa hàng làm đẹp như làm tóc, làm móng và các spa bị đóng cửa dẫn đến người ta quen với việc mua những dụng cụ làm đẹp về và tự làm tại nhà. Xu hướng này kéo dài từ năm 2022 và sẽ nối tiếp qua năm 2023.
Thay vì mất thời gian đến spa, người ta có xu hướng mua những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như máy massage nâng cơ, máy triệt lông, máy tạo kiểu tóc hay thậm chí là các bộ dụng cụ làm móng để tự thực hiện tại nhà. ELLE đánh giá đây là một xu hướng có điểm tích cực tuy nhiên cần thận trọng khi áp dụng. Nếu không có hiểu biết kĩ càng và kĩ thuật tỉ mỉ thì rất có thể sẽ tự mình hại mình.
Các phương pháp làm đẹp tại nhà ngày càng phổ biến (Ảnh minh họa: Pexels)
Chia nhỏ chế độ luyện tập chăm sóc sức khỏe
Các chuyên gia dự đoán xu hướng tập luyện trong năm 2023 là chia nhỏ chế độ luyện tập thành từng set ngắn, tương tự việc chia nhỏ chế độ ăn thành từng bữa nhỏ trong ngày. Việc chia nhỏ chế độ luyện tập sẽ giúp người tập có thể kiên trì luyện tập lâu hơn mà không cảm thấy chán nản vì khối lượng vận động quá lớn.
Aly Giampolo, người đồng sáng lập và giám đốc The Ness, một nền tảng thể dục chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số tại New York giải thích: “Tôi tin rằng những set vận động nhỏ cho phép chúng ta tìm thấy niềm vui với việc chăm sóc sức khỏe mà không bị áp lực phải dành nhiều thời gian. ngoài ra cách này còn cho phép bạn tận dụng lượng endorphin dồn dập mà vận động mang lại cho bạn nhiều lần.”
Có thể bạn tập theo một video yoga dài 15 phút trước khi uống cà phê sáng, rồi lại dành 10 phút trong giờ nghỉ trưa để đi dạo quanh khu văn phòng và sau đó thực hiện một vài hiệp 25 động tác nhảy trong khi say sưa coi một bộ phim nào đó trên Netflix. Không cần cầu kỳ mà bạn vẫn có thể vận động liên tục để chăm sóc sức khỏe suốt cả ngày.
Tập luyện cường độ thấp
Nếu bạn không muốn hành hạ cơ thể bằng những bài tập vật vã khiến bạn sợ hãi, tập thể dục cường độ thấp sẽ là một giải pháp tuyệt vời. Jason Bristow, quản lý phòng tập tại Virgin Active (Mỹ), cho biết lợi ích của tập luyện cường độ thấp: “Tập luyện cường độ thấp là những bài tập ít hoặc không ảnh hưởng đến khớp nhưng vẫn làm tăng nhịp tim, rất tốt để chăm sóc sức khỏe cho những người bắt đầu tập thể dục hoặc trở lại sau chấn thương – và cả những người thích hoạt động nhẹ nhàng.”
Ngoài ra tập luyện cường độ thấp có thể được thực hiện bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào mà không cần thiết bị hoặc chi phí lớn. Những ví dụ tuyệt vời về tập luyện cường độ thấp bao gồm đi bộ, đạp xe, yoga, pilates…
Nguồn: Elle
Xem thêm