SỰ CHUẨN BỊ CHO HÀNH TRÌNH MANG THAI
Chào đón sự ra đời của một thiên thần khỏe mạnh và quá trình mang thai an toàn là vấn đề mà hầu hết các ông bố bà mẹ đều rất quan tâm. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, việc chuẩn bị cho hành trình mang thai là vấn đề tất yếu và vô cùng quan trọng.
Tầm quan trọng của việc lên kế hoạch chuẩn bị trước khi mang thai
Việc chuẩn bị trước khi mang thai là vô cùng quan trọng vì nhờ vào đó, các yếu tố rủi ro có thể được quản lý và ngăn ngừa thông qua kế hoạch mang thai để giảm thiểu rủi ro cho mẹ bầu và thai nhi.
Độ tuổi nào là sinh con tốt nhất?
Độ tuổi kết hôn và sinh con tốt nhất ở phụ nữ là 23 - 25 tuổi. Nếu sinh con trước độ tuổi này, cơ quan sinh dục nữ và xương chậu chưa phát triển hoàn thiện, khả năng sinh khó sẽ tăng lên, thậm chí có thể gây ra một số biến chứng và di chứng. Cần tránh mang thai sau 35 tuổi vì sau 35 tuổi, chức năng buồng trứng dần có xu hướng suy giảm, khả năng bất thường trên nhiễm sắc thể trong trứng tăng cao dễ gây sảy thai, thai chết lưu hoặc quái thai.
Những việc cần làm để chuẩn bị cho hành trình mang thai
Khám sức khỏe và lập kế hoạch mang thai
Trước khi mang thai, các cặp vợ chồng cần cùng nhau đến bệnh viện để được tư vấn và thăm khám. Khi tư vấn, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe cho cả hai vợ chồng để kiểm tra xem liệu họ có nên mang thai hay không, có mắc các bệnh bẩm sinh hay không vì sẽ có nguy cơ thai nhi sinh ra bị dị tật bẩm sinh và các bệnh di truyền. Bên cạnh đó còn tính ngày rụng trứng để vợ chồng giữ thể trạng tốt hơn trước khi thụ thai và giúp người vợ dễ thụ thai hơn.
Điều quan trọng là phải đặt kế hoạch mang thai trước ít nhất 6 tháng đến 1 năm vì có thể cần có thời gian để tiêm phòng, điều trị bệnh, kiểm soát cân nặng và kiểm soát thuốc. Ngoài ra, đây cũng là thời gian để các cặp vợ chồng cùng nhau tạo điều kiện tốt nhất về thể chất và tinh thần để chuẩn bị cho hành trình mang thai.
Tiêm phòng
Bên cạnh kiểm tra thể chất, bác sĩ còn tiến hành các cuộc kiểm tra miễn dịch khác nhau, điều quan trọng là bạn cần tiêm một số loại vắc xin trước khi mang thai, chẳng hạn như vắc xin rubella, vắc xin thủy đậu,…và đợi ít nhất ba tháng trước khi lên kế hoạch mang thai.
Bên cạnh kiểm tra thể chất, điều quan trọng là bạn cần tiêm một số loại vắc xin trước khi mang thai (Ảnh minh họa: Pexels)
Kiểm tra răng miệng
Ở những phụ nữ có kế hoạch mang thai, do nồng độ estrogen trong cơ thể của phụ nữ mang thai tăng cao, dễ dẫn đến xung huyết và sưng tấy mô nướu, tình trạng này có thể đột ngột trở nên nghiêm trọng khi đang mang thai đến mức phải phẫu thuật hoặc dùng thuốc nên vấn đề sức khỏe răng miệng rất quan trọng, trước khi mang thai cần kiểm tra răng miệng và giải quyết các vấn đề về răng miệng.
Ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai
Để tử cung hoạt động bình thường, bạn cần ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai trước khi mang thai 2-3 tháng.
Kiểm soát cân nặng
Phụ nữ thiếu cân hoặc thừa cân cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Vì vậy, chỉ số sinh khối cơ thể (BMI) nên giữ trong giới hạn bình thường, nếu cao hơn hoặc thấp hơn giới hạn bình thường, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống và dinh dưỡng, đồng thời kiểm soát cân nặng thông qua tập thể dục vì điều này sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt chuẩn bị cho mang thai và có cơ hội mang thai dễ dàng hơn.
Trong trường hợp thừa cân, bạn nên đặt mục tiêu giảm cân khoảng 5-7% trong 3 tháng. Phụ nữ mang thai béo phì làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, thoát vị rốn, sinh non, dị tật tim, rối loạn tăng trưởng, tiểu đường và tăng huyết áp ở thai nhi.
- BMI 18,5 - 24,9: bình thường
- BMI 25 - 29,9: thừa cân
- BMI từ 30 trở lên: béo phì
Vấn đề dinh dưỡng và bổ sung vitamin
Bạn nên ăn đủ 5 loại thực phẩm có lợi cho cơ thể, không uống rượu bia, trà, cà phê, bỏ thuốc lá.
Rượu và thuốc lá có thể làm hỏng tinh trùng và trứng. Sử dụng rượu khi mang thai gây thiểu năng trí tuệ và tổn thương não ở thai nhi. Thuốc lá gây dị tật bẩm sinh, sinh non và nhẹ cân ở thai nhi. Ngoài ra, không nên tự ý quyết định dùng thuốc mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, tùy theo tình trạng các bệnh mãn tính như thai kỳ, tiền sử sinh đẻ, đái tháo đường mà bạn cần bổ sung acid folic hoặc các loại vitamin cần thiết khi có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Acid folic thường được các cặp vợ chồng uống 3 tháng trước khi mang thai.
Bạn cần quan tâm đến vấn đề bổ sung dinh dưỡng khi bắt đầu dự định có thai (Ảnh minh họa: Pexels)
Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giảm stress
Stress chính là một trong những nguyên nhân khiến các hệ cơ quan trong cơ thể không thể hoạt động bình thường, bao gồm cả quá trình rụng trứng và chất lượng tinh trùng, do đó, các cặp vợ chồng đang có kế hoạch thụ thai nên thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để tinh thần thoải mái.
Khi cơ thể đã sẵn sàng, bạn nên tận dụng cơ hội để đi nghỉ dưỡng, vì sự thay đổi môi trường giúp nhiều cặp vợ chồng thư giãn và dễ thụ thai hơn. Nếu đối tác của bạn đang gặp vấn đề về khả năng sinh sản, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia hiếm muộn để tìm ra nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Tài liệu tham khảo: webmd, baidu
Xem thêm