TẠI SAO NGƯỜI LỚN TUỔI BỊ BỆNH CAO HUYẾT ÁP?
Cao huyết áp là một căn bệnh âm thầm và dường như không có triệu chứng rõ ràng. Số lượng bệnh nhân cao huyết áp nhiều nhất là từ 70 tuổi trở lên và tỷ lệ này giảm dần theo các độ tuổi 60, 50 và 40.
Do đó, bệnh cao huyết áp dễ bị cho là “bệnh của người già”, cần được phát hiện cũng như là điều trị sớm vì bệnh này dễ gây ra một số bệnh mãn tính khác về tim mạch, về thận,…và ở người lớn tuổi, các cơ quan chức năng trong cơ thể không còn hoạt động tốt và bị lão hóa, chính vì thế mà khi mắc bệnh cao huyết áp sẽ rất nguy hiểm.
Cao huyết áp là gì?
Huyết áp là thước đo lực tác động của máu lên thành động mạch trong và giữa các nhịp tim.
Huyết áp của một người khỏe mạnh bình thường được biểu thị bằng huyết áp tâm thu có giá trị là 120 mmHg và huyết áp tâm trương có giá trị là 80 mmHg. Người bị cao huyết áp có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm tường từ 90 mmHg trở lên.
Huyết áp cao thường không gây ra triệu chứng và được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để biết bạn bị cao huyết áp là kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Bệnh cao huyết áp dễ bị cho là “bệnh của người già”, cần được phát hiện cũng như là điều trị sớm (Ảnh minh họa: Pexels)
Nguyên nhân cao huyết áp thường gặp ở người lớn tuổi
Chức năng tim và mạch máu suy giảm
Ở người lớn tuổi, chức năng của tim và mạch máu suy giảm dần theo tuổi già bao gồm giảm sức co bóp ở tim và giảm lượng máu cung cấp cho tim, giảm tính đàn hồi của động mạch và tăng sức cản của dòng máu do co bóp các mạch máu nhỏ. Chính những nguyên nhân này mà tăng huyết áp tâm thu thường có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở người lớn tuổi.
Chức năng giãn mạch của động mạch kém
Người lớn tuổi, chức năng giãn mạch của động mạch kém và mất tác dụng đệm của mạch máu. Trong giai đoạn tâm thu, các mạch máu không thể chứa nhiều máu hơn, gây áp lực lớn hơn lên các mạch máu động mạch làm huyết áp tâm thu tăng lên, đồng thời áp suất trong giai đoạn tâm trương giảm đi rất nhiều, dấn đến huyết áp tâm trương thấp hơn làm cho khoảng cách giữa áp suất tâm thu và tâm trương sẽ càng lớn gây ra cao huyết áp.
Thành động mạch dày lên và cứng lại tự nhiên
Khi động mạch linh hoạt và đàn hồi, máu chảy tự do. Khi bạn già đi, thành động mạch dày lên và cứng lại một cách tự nhiên nên chức năng điều hòa huyết áp của người già yếu đi cộng với việc phải đối mặt với các tác nhân kích thích không thể điều chỉnh kịp thời như người trẻ nên dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu, tâm trạng thất thường, cơ thể mệt mỏi và các nguyên nhân khác khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để lưu thông máu mang oxy đi khắp cơ thể, làm huyết áp tăng lên.
Dễ căng thẳng và lo lắng
Tăng huyết áp áo choàng trắng là một hiện tượng rất phổ biến trong đo huyết áp, tức là huyết áp đo được tại đơn vị y tế cao hơn đáng kể so với kết quả đo tại nhà. Người càng lớn tuổi thì lại càng dễ căng thẳng và quá chú ý đến sức khỏe nên dễ gặp phải những tình huống như vậy.
Người càng lớn tuổi thì lại càng dễ căng thẳng và quá chú ý đến sức khỏe nên dễ gặp phải những tình huống như vậy (Ảnh minh họa: Pexels)
Ảnh hưởng của các bệnh mãn tính
Nhiều người cao tuổi mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch vành, di chứng tai biến mạch máu não, suy giảm chức năng thận, viêm phế quản mãn tính,…Việc kết hợp nhiều bệnh không chỉ gây rối loạn chức năng cơ thể, cao huyết áp mà còn mang đến những hạn chế cho việc điều trị và dùng thuốc.
Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh cao huyết áp ở người lớn tuổi. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp nhiều hơn gấp hai lần.
Theo thống kê của Tổ chức Thận Quốc gia, bệnh thận là nguyên nhân thứ hai gây ra bệnh cao huyết áp sau bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi. Thận và huyết áp có mối quan hệ hai chiều, bệnh thận có thể làm hẹp, suy yếu và làm hỏng các động mạch và huyết áp cao cũng có thể làm hỏng thận.
Một vài biện pháp nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của bạn – huyết áp của bạn. Người lớn tuổi nên thăm khám và kiểm tra huyết áp thường xuyên để có những lời khuyên về chăm sóc sức khỏe ban đầu, từ đó có các hành động thực hiện để giảm huyết áp, tránh các biến chứng về sau.
Tài liệu tham khảo: baidu, vinmec
Xem thêm