12 ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH CAO HUYẾT ÁP VÀ 3 LOẠI THUỐC LIÊN QUAN ĐẾN HUYẾT ÁP CAO
Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng tim mạch, đột quỵ và liên quan đến gần 10,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Điều đáng chú ý là song song với việc tuổi thọ của người dân Việt Nam ngày càng cao trong những năm gần đây thì tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp cũng gia tăng (chiếm khoảng 25% dân số nước ta) và đang ngày càng trẻ hóa (tỷ lệ cao huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên đã lên tới khoảng 25 – 47%).
Do đó, việc tìm hiểu các yếu tố rủi ro và xác định được những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp là vô cùng cần thiết để kịp thời đưa ra các biện pháp điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.
Cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp là huyết áp cao hơn bình thường và phát triển theo thời gian. Nếu huyết áp của bạn nằm trong khoảng 120/80 mmHg đến 129/80 mmHg, bạn đã bị cao huyết áp.
Những đối tượng dễ mắc bệnh cao huyết áp
Người lớn tuổi
Nguy cơ cao huyết áp sẽ tăng lên khi bạn ngày càng lớn tuổi (thường là từ 35 tuổi trở đi). Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), các mạch máu sẽ dần mất tính đàn hồi theo thời gian và có thể góp phần gây ra bệnh cao huyết áp.
Theo báo cáo của Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia, nguy cơ tiền tăng huyết áp và cao huyết áp đang gia tăng trong những năm gần đây ở cả những người trẻ tuổi, trong đó có cả trẻ em và thanh thiếu niên.
Đàn ông
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đàn ông từ dưới 64 tuổi có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, sau độ tuổi đó thì phụ nữ lại có nhiều khả năng mắc cao huyết áp hơn.
Đàn ông từ dưới 64 tuổi có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc cao huyết áp hơn so với phụ nữ (Ảnh minh họa: Pexels)
Người có tiền sử gia đình bị cao huyết áp
Tỷ lệ con cái bị tăng huyết áp giữa bố và mẹ bình thường là 18%, trong khi cả bố và mẹ bị cao huyết áp là 46% và khi chỉ một bên bị cao huyết áp là 34%. Do đó, có thể nói huyết áp chịu ảnh hưởng 50% từ gen di truyền và 50% còn lại là do môi trường quyết định. Nếu người thân bị đột quỵ hoặc đau tim khi còn trẻ, hay gia đình có tiền sử cao huyết áp thì bạn và các thành viên trong gia đình nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Người bị thừa cân
Bạn càng thừa cân, béo phì thì sẽ càng cần nhiều máu để cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô trên cơ thể của bạn. Lúc này, lượng máu bơm qua mạch máu của bạn sẽ tăng lên làm áp lực lên thành động mạch tăng lên, gây nguy cơ huyết áp tăng cao và nguy cơ này cao hơn 2-6 lần so với người bình thường.
Ở những bệnh nhân cao huyết áp bị béo phì, giảm 10 kg cân nặng có thể làm giảm huyết áp tâm thu 25 mmHg và huyết áp tâm trương 10 mmHg. Điều này có nghĩa là khi một người có khuynh hướng cao huyết áp trở nên béo phì thì chứng cao huyết áp sẽ xảy ra.
Để đánh giá mức độ béo phì, người ta sẽ thường căn cứ vào chỉ số khối cơ thể BMI:
BMI = Cân nặng (kg) / [Chiều cao (m)]2
- BMI < 18: gầy
- 18 BMI 24: bình thường
- BMI 25: thừa cân
- BMI 30: béo phì
Người ít vận động, tập thể dục thể thao
Những người không hoạt động thể chất, thường xuyên phải ngồi một chỗ làm việc trong thời gian dài sẽ có nhịp tim cao hơn và huyết áp cao hơn những người hoạt động thể chất. Điều này là do khi ngồi một chỗ, quá trình trao đổi chất và bài tiết giảm, tuân hoàn máu chậm hơn, chức năng của hệ tiêu hóa và khả năng hấp thụ của dạ dày bị giảm đi dẫn tới thể lực giảm sút, kéo theo nguy cơ cao huyết áp.
Người có chế độ ăn uống không hợp lý
Ăn quá nhiều thức ăn có chứa thành phần natri khiến nước tích tụ trong cơ thể, làm tăng lưu lượng máu và tăng huyết áp.
Chế độ ăn thiếu kali, kali giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể của bạn nên việc không nhận đủ kali có thể làm tăng huyết áp.
Ăn nhiều mỡ động vật khiến cho lượng cholesterol trong máu tăng cao, làm tăng huyết áp.
Ăn nhiều đường gây béo phì, tăng huyết áp.
Người thường xuyên uống rượu bia
Uống rượu bia làm tăng huyết áp, những người uống hơn 30 ml mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao và thậm chí dẫn đến đột quỵ
Theo một kết quả nghiên cứu thì tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp ở những mức độ sử dụng rượu như sau:
- Không uống rượu: 12,87%
- Ít uống rượu: 13,7%
- Uống rượu nhẹ: 17,83%
- Uống rượu nặng: 25,9%
Uống rượu bia làm tăng huyết áp (Ảnh minh họa: Pexels)
Người hay bị căng thẳng quá mức
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, căng thẳng quá mức sẽ làm rối loạn chức năng của hệ thần kinh và khả năng tự điều hòa của vỏ não bị mất đi, làm cho áp suất tâm thu tăng và dẫn đến tăng huyết áp.
Người mắc các bệnh mãn tính
Người bị bệnh thận, ngưng thở khi ngủ hoặc tiểu đường có thể ảnh hưởng đến huyết áp.
Người đang mang thai
Mang thai có thể làm tăng huyết áp. Huyết áp cao xảy ra ở 1 trong số 12 đến 17 ca mang thai ở những phụ nữ từ 20 đến 44 tuổi.
Người đang sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai cũng có thể ảnh hưởng đế huyết áp. Phụ nữ uống thuốc tránh thai thường bị tăng nhẹ huyết áp tâm thu và tâm trương, đặc biệt là các viên thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen và progesteron có khuynh hướng làm tăng huyết áp. Nguy cơ tăng huyết áp có liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai càng cao ở phụ nữ trên 35 tuổi và người sử dụng thuốc tránh thai trên 5 năm.
Người sử dụng các loại thuốc giải trí bất hợp pháp
Một số loại thuốc giải trí bất hợp pháp như cocaine, thuốc lắc và amphetamine cũng được biết là có khả năng làm tăng huyết áp.
Một số loại thuốc giải trí bất hợp pháp có khả năng làm tăng huyết áp (Ảnh minh họa: Pexels)
Ngoài những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp nêu trên thì việc sử dụng thuốc điều trị các loại bệnh khác cũng có thể gây ra cao huyết áp
Thuốc giảm đau
Các thuốc giảm đau, chống viêm thông thường có thể dẫn đến giữ nước, làm tăng huyết áp và gây ra các vấn đề về thận như thuốc chống viêm không steroid, acetaminophen, piroxicam,...
Thuốc chống trầm cảm
Những loại thuốc này hoạt động bằng cách thay đổi phản ứng của cơ thể với các hóa chất ảnh hưởng đến tâm trạng. Điều này cũng ảnh hưởng đến nguy cơ tăng huyết áp.
Thuốc thông mũi
Những loại thuốc này được biết có khả năng làm tăng huyết áp và làm thay đổi hiệu quả của thuốc huyết áp.
Cao huyết áp là một kẻ giết người thầm lặng vì rất hiếm khi có bất kỳ triệu chứng nào có thể được nhìn thấy trong giai đoạn đầu cho đến khi xảy ra các tình trạng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ,...Việc xác định được các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp cũng phần nào có các biện pháp theo dõi kịp thời, từ đó đưa ra các biện pháp điều trị hợp lý. Những đối tượng dễ bị cao huyết áp cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, khám sức khỏe định kỳ để được thăm khám và có được sự hướng dẫn điều trị sớm từ bác sĩ.
Tài liệu tham khảo: nih.gov, vinmec.com
Xem thêm