GỢI Ý THỰC ĐƠN DÙNG TRONG MỘT TUẦN CHO NGƯỜI BỆNH GOUT
Gout là một căn bệnh phổ biến, phức tạp và mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải.
Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng nó liên quan mật thiết đến các hội chứng chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp,...làm rút ngắn tuổi thọ của người bệnh. Ngoài ra, bệnh gout còn làm suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến mạch máu não nên cần phải điều trị triệt để. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh gout nhưng nguyên nhân chính là do ăn các thực phẩm giàu purin, làm tích tụ nhiều axit uric. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống thích hợp cũng là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình phòng và điều trị căn bệnh này.
Bệnh gout là gì?
Gout là một loại bệnh lý viêm khớp do việc tăng sản xuất axit uric trong cơ thể hoặc khả năng bài tiết axit uric giảm, dẫn đến sự tích tụ các tinh thể urat ở khớp và các mô xung quanh. Axit uric là được tạo ra từ quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể - một loại chất có nhiều trong thực phẩm.
Khi nồng độ axit uric tăng cao, tinh thể urat được hình thành và tích tụ trong khớp gây ra các cơn đau và viêm.
Gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân và có thể ở các khớp khác như khớp ngón tay, cổ chân, đầu gối,...Nó có thể xảy ra một cách đột ngột và các cơn đau thường kéo dài trong vài ngày.
Thực đơn cho người bệnh gout
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gout là tiêu thụ nhiều purin từ thực phẩm, gây tích tụ axit uric. Trong một nghiên cứu từ Đại học Boston với hơn 600 người mắc bệnh gout, những người có chế độ ăn nhiều purin có nguy cơ bị tấn công cao hơn gấp 5 lần so với những người có chế độ ăn ít purine nhất. Do đó, người bệnh cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày bên cạnh sử dụng thuốc điều trị.
Một số nguyên tắc ăn uống người bệnh cần tuân thủ
- Giảm tiêu thụ purine: purine là chất có nhiều trong thực phẩm, khi tiêu thụ quá nhiều, nó có thể làm tăng sản xuất axit uric, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có nhiều purin chẳng hạn như thịt đỏ (thịt bò, thịt heo), hải sản (tôm, cua, ghẹ), nội tạng động vật (gan, thận) và đồ uống có cồn.
- Tăng cường tiêu thụ chất xơ: chất xơ làm giảm khả năng hấp thu axit uric trong ruột, giúp kiểm soát mức độ axit uric trong cơ thể. Bạn có thể tìm nguồn chất xơ từ rau xanh (rau chân vịt, bông cải xanh, rau muống, mướp đắng,...), trái cây tươi (kiwi, dứa, cherry,...), các loại hạt, lúa mạch và ngũ cốc nguyên hạt.
Chất xơ làm giảm khả năng hấp thu axit uric (Ảnh minh họa: Pexels)
- Tăng cường thực phẩm chống viêm: gout là căn bệnh có liên quan đến việc tăng tổng hợp và phản ứng viêm xảy ra trong cơ thể. Do đó, việc bổ sung các thực phẩm chống viêm như trái cây tươi, rau xanh lá có màu sẫm, dầu ô liu, hạt chia và cá hồi là vô cùng cần thiết trong hỗ trợ điều trị gout.
- Uống đủ nước: việc uống đủ nước mỗi ngày giúp duy trì dòng chảy của axit uric, giảm nguy cơ tái tạo các tinh thể urate. Người bệnh nên uống ít nhất 8 ly nước (khoảng 2 lít nước) mỗi ngày.
- Giảm tiêu thụ các loại đồ uống giàu fructose chẳng hạn như nước ngọt có gas, nước trái cây đóng hộp có đường, nước giải khát có ion,...
Gợi ý thực đơn cho người bệnh gout
Thực đơn 1:
- Bữa sáng: bột yến mạch + sữa tách béo không đường.
- Bữa trưa: 2 bát cơm trắng + 1 bát salad + 1 bát canh cải.
- Bữa tối: 1 đến 1,5 bát cơm trắng + 100g cá hồi sốt cà chua + 1 bát canh rau xanh + 1 hộp sữa chua.
Thực đơn 2:
- Bữa sáng: 1 bát phở.
- Bữa trưa: 2 bát cơm trắng + 100g thịt nạc băm hấp + 1 bát canh rau xanh.
- Bữa tối: 1 đến 1,5 bát cơm trắng + 100g thịt luộc + 100g đậu hà lan luộc.
Gợi ý thực đơn dùng trong một tuần cho người bệnh gout (Ảnh minh họa: Pexels)
Thực đơn 3:
- Bữa sáng: 1 ổ bánh mì thịt + 180ml sữa tách béo không đường.
- Bữa trưa: 1,5 bát cơm + 40g tôm rang + 100g bông cải xanh luộc + 1 hộp sữa chua.
- Bữa tối: 1,5 bát cơm trắng + 100g sườn xào chua ngọt + 1 bát nhỏ canh rau xanh + 1 miếng nhỏ dưa hấu.
Thực đơn 4:
- Bữa sáng: 1 bát cháo thịt nạc băm + 180 ml nước cam ép.
- Bữa trưa: 1 bát cơm trắng + 100g cá bống kho + 150g củ cải luộc + 1 miếng bưởi.
- Bữa tối: 1 bát cơm trắng + 100g thịt nạc heo nướng + 1 bát salad trộn với dầu ô liu + 1 miếng dưa hấu.
Thực đơn 5:
- Bữa sáng: 1 phần nui sốt cà + 250 ml nước táo ép.
- Bữa trưa: 2 chén cơm trắng + 70g cá chép sốt cà + 20g thịt nạc vai nướng + 200g bắp cải luộc + 50g canh bí xanh + nửa quả cam.
- Bữa tối: 2 bát cơm trắng + 1 chén canh rau xanh + rau cần xào thịt.
Thực đơn 6:
- Bữa sáng: 2 lát bánh mì sandwich cùng mứt trái cây + 200ml nước ép cam.
- Bữa trưa: 1 chén cơm trắng + ức gà xào ớt chuông cùng nấm đùi gà + cải thảo luộc + 1 chén nhỏ canh khoai tây.
- Bữa tối: 2 bát cơm trắng + ức gà luộc không da + 1 chén canh cà chua.
Thực đơn 7:
- Bữa sáng: 1 bát bún riêu + 50ml nước ép táo.
- Bữa trưa: 1,5 bát cơm trắng + 50g cá rô phi chiên + 200g khổ qua xào với 1 quả trứng + 1 chén canh mồng tơi + 1 miếng dưa hấu.
- Bữa tối: 1 bát cơm trắng + 40g thịt nạc sốt cà chua + 250g rau xào dầu ô liu.
Lưu ý rằng, thực đơn cho người bệnh gout có thể thay đổi dựa trên tình trạng sức khỏe, nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của từng người. Vì thế, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi sang bất kỳ một chế độ ăn nào đó trong hỗ trợ điều trị bệnh.
Tài liệu tham khảo: baidu, vinmec
Xem thêm