BỆNH VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI Ở NGƯỜI LỚN
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người – viêm cân hoại tử là một bệnh nhiễm trùng mô mềm được đặc trưng bởi quá trình hoại tử lan rộng và nhanh chóng ở mô dưới da, thường đi kèm với sốc nhiễm độc toàn thân. Viêm cân hoại tử ảnh hưởng đến khoảng 0.4 trên 100.000 người mỗi năm tại Hoa Kỳ và ở một số khu vực trên thế giới, cứ 100.000 người thì có 1 người mắc bệnh này.
Các tác nhân gây ra bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở người lớn
Đây là căn bệnh nhiễm trùng hỗn hợp của nhiều loại vi khuẩn bao gồm liên cầu khuẩn nhóm A, vi khuẩn gram âm và vi khuẩn kỵ khí: Burkholderia pseudomallei, Streptococcus nhóm A, Staphylococcus aureus,...Căn bệnh thường đi kèm với tổn thương chức năng miễn dịch của toàn bộ cơ thể và các mô cục bộ như các vết thương ngoài da thứ phát đến nhẹ như trầy xước, nhiễm trùng, côn trùng cắn, nhổ răng,...Bên cạnh đó, bệnh có thể xảy ra ở những bệnh nhân sau phẫu thuật, thậm chí là sau khi tiêm, người sử dụng corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài,...
Streptococcus nhóm A: một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Chúng thường được tìm thấy trong mũi, cổ họng và da nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một khi đã xâm nhập vào cơ thể, nó có khả năng gây bệnh vi khuẩn ăn thịt người cùng với triệu chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn, làm tăng tốc độ và tính nguy hiểm của nhiễm trùng.
Staphylococcus aureus: loại vi khuẩn này đang trở thành nguyên nhân phổ biến hơn gây ra bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Chúng thường được con người mang trên da hoặc mũi nhưng không có bất kỳ triệu chứng gì. Đây là nguồn lây nhiễm chính ở bệnh viện nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến trong cộng đồng, điển hình là các khu vực chung như phòng thay đồ, ký túc xá,...
Con đường lây nhiễm vi khuẩn ăn thịt người ở người lớn
Vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương bên ngoài như vết phẫu thuật, vết cắt, vết xước, vết bầm tím, mụn nhọt hoặc bất kỳ vết thương nhỏ nào. Khi đã xâm nhập vào cơ thể người bệnh, chúng lây lan qua màng, tạo ra nội độc tố (độc tố khi vi khuẩn chết và phân hủy) và ngoại độc tố (độc tố vi khuẩn tiết ra dưới dạng chất thải), hai loại độc tố này làm hạn chế việc cung cấp máu cho các mô, gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ, ảnh hưởng đến toàn thân.
Vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương bên ngoài (Ảnh minh họa: Canva)
Biểu hiện lâm sàng của bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở người lớn
Triệu chứng tại chỗ
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người khởi phát đột ngột, các dấu hiệu ban đầu thường chỉ ở mức âm ỉ, hầu như thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, căn bệnh lan ra rất nhanh đến toàn bộ các chi trong vòng 24 giờ.
Đỏ bong tróc, sưng tấy và đau nhức: ở giai đoạn đầu, da người bệnh trở nên đỏ, có vảy màu đỏ tím và đau nhức, da rất mềm khi sờ vào. Lúc này mô ở dưới da đã bị hoại tử và đường dẫn bạch huyết bị phá hủy một cách nhanh chóng nên ở người lớn, viêm hạch rất hiếm gặp. Các biểu hiện của vùng da bị tổn thương không rõ ràng, thường bị nhầm lẫn với viêm mô tế bào.
Các cơn đau giảm đi và vùng bị ảnh hưởng bắt đầu tê: do sự kích thích của các chất gây viêm và bởi sự xâm nhập của của vi khuẩn nên người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội ở giai đoạn đầu. Sau khi các dây thần kinh cảm giác bị phá hủy, cảm giác đau sẽ bị thay thế bằng cảm giác tê.
Sự phá hủy da sẽ bắt đầu sau 3 đến 5 ngày: ở da xuất hiện mụn nước kèm theo máu ở da vì mạch máu bị phá hủy và tắc nghẽn nên màu da của người bệnh sẽ dần chuyển sang màu tím đen, đi kèm với các mụn nước hoặc bọc nước có chứa dịch máu.
Dịch tiết có mùi rỉ ra: lớp mỡ dưới da và lớp phù nề bị phá hủy bởi vi khuẩn trở nên dính, đục, đen và cuối cùng là hóa lỏng và hoại tử.
Triệu chứng ngộ độc toàn thân
Sau giai đoạn đầu, sự tiến triển của bệnh được đặc trưng bởi các triệu chứng ngộ độc toàn thân sẽ xuất hiện với các triệu chứng thường gặp như ớn lạnh, sốt cao, chán ăn, mất nước, hạ huyết áp, vàng da,...Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ xảy ra đông máu nội mạch lan tỏa và sốc nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng khác biệt giữa các dấu hiệu tại chỗ và ngộ độc toàn thân là đặc điểm nhận dạng chính của căn bệnh vi khuẩn ăn thịt người đáng lo ngại này.
Phòng bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở người lớn bằng cách nào?
Những người thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường đất, nước, đặc biệt là môi trường bị nhiễm khuẩn, bùn đất, vùng lũ,...nên sử dụng ủng, bao tay khi tiếp xúc, mặc đồ bảo hộ nếu cần thiết.
Người có vết thương, vết trầy xước, mụn nhọt,...cần hạn chế tiếp xúc với bùn đất, nước bị ô nhiễm, người đang nhiễm bệnh.
Thường xuyên vệ sinh tay chân, đặc biệt là sau khi ra ngoài về bằng xà phòng và nước sạch.
Giữ vệ sinh môi trường sống.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt là khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào như vết thương trở nên sưng, đau hơn hoặc sốt cao, cần tìm đến sự chăm sóc sức khỏe y tế nhanh chóng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe giúp bạn phòng ngừa được bệnh vi khuẩn ăn thịt người (Ảnh minh họa: Canva)
Điều trị bệnh vi khuẩn ăn thịt người như thế nào?
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người là một căn bệnh nguy hiểm là lây lan nhanh chóng đến toàn thân trong thời gian ngắn. Nguyên tắc điều trị của căn bệnh này là chẩn đoán sớm, cắt bỏ sớm, sử dụng lượng lớn kháng sinh hiệu quả và điều trị hỗ trợ toàn thân.
Thuốc kháng sinh: đối với các thể bệnh nhẹ, có thể điều trị bằng kháng sinh như Cefadroxil (Cefadroxil EG), Ciprofloxacin (Glyford), Penicillin, Doxycyclin, Vancomycin, Daptomycin,...Vì kháng sinh không thể xâm nhập vào các mô bị hoại tử, các kháng sinh chỉ có vai trò cần thiết trong việc kiểm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa sự lây lan thêm của vi khuẩn trong các trường hợp bệnh nặng nên phẫu thuật cắt bỏ mô bị hoại tử là ưu tiên hàng đầu.
Phẫu thuật cắt bỏ: đây là việc loại bỏ các mô chết, bị hư hỏng hoặc nhiễm trùng để các mô khỏe mạnh còn lại được chữa lành hiệu quả hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời điểm và mức độ thích hợp của việc phẫu thuật cắt lọc ban đầu có tác động rất lớn đến tỷ lệ tử vong bởi bệnh vi khuẩn ăn thịt người.
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở người lớn có tỷ lệ tử vong từ 30-90%, mặc dù không phải là căn bệnh phổ biến nhưng một khi đã mắc bệnh thì những biến chứng cũng như nguy cơ tử vong của nó rất lớn. Do đó, cần chủ động phòng ngừa và tìm đến bác sĩ nhanh chóng nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào để được điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo: baidu, National library of medicine
Xem thêm