MIỀN NAM HÀO SẢNG, DỄ MẾN. TẾT MIỀN NAM CÓ MÓN GÌ?
Vào ngày Tết, miền Nam là địa điểm mà những ánh vàng của hoa mai khoe sắc. Miền Nam gắn liền với sông nước với đặc trưng thân thiện, gần gũi sẽ có ẩm thực ngày Tết phong phú ra sao? Những gia đình sẽ sum vầy cùng nhau bên mâm cỗ như thế nào?
Tết là dịp sum họp gia đình của người Việt Nam ta. Ngày xuân luôn luôn mang đến niềm vui ngập tràn cho mỗi người dân nơi đây. Cùng nhau ăn Tết là thế, nhưng mỗi vùng miền lại có một nét ẩm thực trù phú khác nhau. Mùa xuân hoa mai thi nhau đua thắm, cũng là dịp để chúng ta thưởng thức những món ăn đặc sắc của miền Nam Việt Nam.
Bánh Tét
Nếu như đặc trưng của phương Bắc là bánh chưng, thì ở phương Nam có bánh tét. Bánh tét là một món ăn khá giống với bánh chưng. Nhưng thay vì gói bánh với hình vuông vức đẹp mắt, thì bánh tét được gói với lá chuối cùng sợi lạt thành hình tròn thuôn dài. Nhân bên trong cũng là đậu xanh, thịt mỡ và nếp dẻo ngon ngon. Bên cạnh đó, bánh tét hiện nay đã biến tấu thành rất nhiều loại khác nhau như bánh tét chuối, bánh tét lá cẩm, bánh tét lá dứa,…v…v. Mỗi loại bánh có màu sắc, nhân bánh, hương vị khác nhau, tạo nên một nền ẩm thực phong phú và đặc sắc cho quốc gia. Có thể nói, ở miền Nam, thấy bánh tét chính là thấy Tết.
(Hình minh họa: Pixabay)
Thịt kho hột vịt
Một món ăn vô cùng truyền thống vào ngày Tết của người miền Nam. Mỗi khi dịp Tết gần đến, các bà mẹ thường tranh thủ đi chợ mua thật nhiều thịt và trứng để nấu một nồi thịt kho hột vịt thật “to bự” để dành ăn vào mấy ngày Tết. Món thịt kho với vị đậm đà, cay cay và màu nâu cánh gián vô cùng đẹp mắt của nước dùng sẽ rất “hao cơm”. Loại thịt thường được sử dụng chính là thịt ba chỉ, với thịt và mỡ hòa cùng gia vị tạo nên một món ăn ngon lành, béo ngậy, mặn mà. Đây cũng là một món ăn cần rất nhiều bí quyết riêng biệt của những người đầu bếp để tạo nên thịt kho hột vịt làm nức lòng người thưởng thức.
(Hình minh họa: Unplash)
Củ kiệu
Củ kiệu là món được dùng kèm trong bữa cỗ đầy ắp thịt thà vào ngày Tết. Củ kiệu thường có vị đắng nhưng qua bàn tay của người dân Việt Nam, chúng ta đã sáng tạo ra một món củ kiệu ngâm với vị chua chua, ngọt ngọt, rất dễ gây nghiện và chống ngán ngày Tết. Củ kiệu thường được bỏ vào những hũ tròn ngâm trong một thời gian và lấy ra sử dụng dần trong những ngày Tết. Củ kiệu ngâm có hương vị ngon ngọt, chua nhẹ và rất tốt cho sức khỏe của mỗi người nhờ vào lên men tự nhiên. Củ kiệu ngon đúng điệu là củ kiệu trắng, thấm gia vị, giòn giòn, và chua ngọt cay vừa phải.
(Hình minh họa: Pixabay)
Lạp xưởng
Lạp xưởng có nguồn gốc từ những người Trung Hoa mang đến Việt Nam, lâu dần lạp xưởng đã trở thành món ăn đặc trưng của người dân miền Nam vào ngày Tết. Lạp xưởng được chế biến từ thịt heo xay với đường và rượu, sau đó được nhồi vào ruột heo. Lạp xưởng có vị hơi ngọt, rất hợp với khẩu vị ưa ngọt của người miền Tây. Ngoài ra, lạp xưởng có màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn và phước lành. Lạp xưởng có hạn dùng khá lâu vì vậy rất dễ để trữ trong nhà ngày Tết. Hiện nay, lạp xưởng đã có nhiều nơi biến tấu với những gia vị và nguyên liệu khác nhau, cũng được bày bán ở các siêu thị, tạp hóa, cửa hàng,v..v. Vì vậy người dân có thể tha hồ lựa chọn món lạp xưởnng mà mình yêu thích.
(Hình minh họa: Pixabay)
Canh khổ qua
Hi vọng “khổ” mau chóng “qua”. Cái tên khổ qua đã nói lên niềm hi vọng trong một năm mới của mọi nhà. Ai ai cũng mong năm mới Tết đến đầy suôn sẻ và thịnh vượng, những điều gian khó, cực nhọc của năm cũ sẽ mau chóng qua đi. Vì vậy món canh này được xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết, mang nhiều ý nghĩa và hi vọng cho một khởi đầu mới. Món canh khổ qua được nấu với trái khổ qua, hay còn gọi là trái mướp đắng, nhồi cùng với thịt xay. Cũng như cái tên gọi của nó, khổ qua có vị khá đắng và hơi khó ăn, nên người lớn thường yêu thích món này và ít có trẻ em nào ưu chuộng. Tuy vậy, khổ qua cũng là một bài thuốc đáng giá trong y học cổ truyền, nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan và rất thích hợp để thưởng thức vào ngày Tết với thời tiết nắng nóng quanh năm ở miền Nam.
(Hình minh họa: Bachhoaxanh)
Mứt dừa
Ngày Tết ở nước ta có vô vàn loại mứt trái cây, tuy nhiên mứt dừa lại là một món khá phổ biến và thường xuyên xuất hiện ở miền Nam mùa Tết. Dừa vốn là đặc sản của Bến Tre- miền Tây Việt Nam Ngoài nước dừa thanh ngọt, giải nhiệt, thì dừa còn được các bà mẹ chế biến làm mứt. Mứt dừa thường có vị ngọt đặc trưng với đường, đôi khi có màu sắc của lá dứa, nghệ hay điểm tô vị thơm của sữa. Đây là một món ăn Tết nhâm nhi khoái khẩu của cả người lớn và trẻ em.
(Hình minh họa: Pexels)
Tết năm nay, bạn có thể đem đến sự ngọt ngào và vui vẻ đến những người con, người cháu của mình với những món đồ ngọt ngon lành và hấp dẫn. Bạn có thể tham khảo BST Socola Áo Dài đẹp mắt tại đây nhé.
Xem thêm