PHÒNG NGỪA BỆNH VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người trong những tháng gần đây đã xuất hiện trở lại, đặc biệt là khi các cơn mưa trở lại với tần suất nhiều hơn – một trong những điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi mà ở đây là vi khuẩn ăn thịt người. Vào ngày 22/09 vừa qua đã có một trường hợp tử vong bởi căn bệnh vi khuẩn ăn thịt người Burkholderia pseudomallei.
Mặc dù là một căn bệnh hiếm gặp nhưng nó lại có nguy cơ cao gây tử vong bởi sự lây lan nhanh chóng, do đó, cần có các biện pháp phòng ngừa căn bệnh ăn thịt người đáng sợ này.
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người là cụm từ để gọi chung cho các liên cầu khuẩn (phổ biến nhất là Streptococcus và Staphylococcus). Các loài vi khuẩn này gây chết các mô mềm của cơ thể và lây lan nhanh chóng sang các mô lân cận nên được gọi với cá tên đáng sợ là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập vào cơ thể người bằng cách nào và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh là gì?
Các vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể thông qua những vùng da bị tổn thương như vết xước, vết bỏng, vùng da bị bong tróc, vết côn trùng cắn,...khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn, bùn,...
Bên cạnh đó, một yếu tố nguy cơ cao làm tăng khả năng mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người đó là sự suy giảm miễn dịch: người bị tiểu đường, người bị suy gan, suy giảm miễn dịch,...
Sử dụng thuốc steroid cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm vi khuẩn ăn thịt người do thuốc làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
Vi khuẩn ăn thịt người thường xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương (Ảnh minh họa: Canva)
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người có lây từ người sang người không?
Vi khuẩn ăn thịt người thường có mặt trong đất, nước bị ô nhiễm và gây bệnh cho con người khi tiếp xúc qua vết thương hở trên da hoặc đường hô hấp khi hít phải bụi có chứa vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người đều xảy ra ngẫu nhiên, rất hiếm khi mắc bệnh bởi lây nhiễm từ người khác. Do đó, các bác sĩ thường không cung cấp thuốc kháng sinh phòng bệnh cho người tiếp xúc gần với người mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người này.
Phòng ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người bằng cách nào?
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, các biện pháp phòng ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người được khuyến nghị như sau:
- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch hoặc lau tay bằng cồn, đặc biệt là sau khi ho, hắt hơi và trước khi chuẩn bị thức ăn, thức uống.
- Người mắc bệnh viêm họng liên cầu khuẩn nên ở nhà cho đến hết 24 giờ sau liều kháng sinh điều trị cuối cùng.
- Bảo vệ da cơ thể, không để trầy xước hay côn trùng cắn,...Giữ làn da nguyên vẹn là yếu tố quan trọng trong ngăn ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người.
- Khi bị thương, cần làm sạch, xử lý kịp thời mọi vết thương, kể cả các vết thương nhỏ (mụn nước, vết xước, vết côn trùng cắn,...) và theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng (đỏ, sưng tấy, chảy mủ, đau,...). Nếu có xuất hiện sốt cần tìm đến sự chăm sóc y tế nhanh chóng.
Giữ làn da nguyên vẹn là yếu tố quan trọng trong ngăn ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người (Ảnh minh họa: Canva)
Bên cạnh đó, bạn cần:
- Không ngừng dùng thuốc đột ngột khi chưa được sự cho phép của bác sĩ cho đến khi kết quả khám là âm tính.
- Nếu lòng bàn chân và các kẽ ngón chân bị ngứa, cần cố gắng không dùng tay gãi hoặc gãi vào da vì dễ làm trầy xước da – cơ hội cho vi khuẩn ăn thịt người xâm nhập và gây bệnh.
- Khi xử lý hải sản, nên đeo găng tay cao su dày để tránh bị đâm.
- Che vết thương bằng băng gạc hoặc băng cá nhân sạch, thay băng ít nhất một lần một ngày.
Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tuần hoàn kém bên cạnh các biện pháp nếu trên cần phải có biện pháp phòng ngừa bổ sung để ngăn ngừa tổn thương da và chăm sóc tốt cho da như:
- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu tổn thương – phát hiện nhiễm trùng sớm nhất có thể.
- Giữ bàn chân và ngón chân khô ráo, sạch sẽ.
- Cắt móng tay và móng chân cẩn thận, không cắt vào vùng da xung quanh.
- Bảo vệ tay và chân khi làm việc, đặc biệt là những công việc tiếp xúc trực tiếp với nước, đất bị ô nhiễm: mang giày và găng tay phù hợp, mặc bảo hộ lao động (nếu có).
- Điều trị kịp thời nhiễm trùng bề mặt (bệnh nấm bàn chân,...). Việc điều trị kịp thời này giúp làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh vi khuẩn ăn thịt người.
Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu tổn thương (Ảnh minh họa: Canva)
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người là căn bệnh nguy hiểm ở chỗ khó phát hiện và điều trị. Bệnh có diễn tiến nhanh chóng thành viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và có thể gây tử vong trong 48h nếu không được điều trị kịp thời. Hiện tại chính là thời điểm dễ khởi phát bệnh vi khuẩn ăn thịt người, bạn cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể, áp dụng các biện pháp phòng ngừa một cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Tài liệu tham khảo: ncbi, centers of disease control and prevention
Xem thêm