ĐỘ TUỔI NÀO CẦN CHỐNG LÃO HÓA DA?
Lão hóa da là quá trình mà mỗi chúng ta đều phải trải qua trong cuộc đời. Đến mỗi một độ tuổi nhất định, mức độ lão hóa da sẽ dần rõ rệt hơn. Tuy nhiên, quá trình này có thể chậm lại nếu da được chăm sóc và bổ sung kịp thời các dưỡng chất thiết yếu trước khi đến độ tuổi lão hóa. Vậy bạn đã biết độ tuổi nào cần chống lão hóa da và các giai đoạn của sự lão hóa da diễn ra như thế nào hay chưa? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu ngay nhé.
Lão hóa da nguyên nhân do đâu?
Yếu tố bên trong
Giảm sản xuất collagen và elastin: collagen và elastin là 2 loại protein giúp da săn chắc và tạo độ đàn hồi cho da. Khi chúng giảm theo tuổi tác, da sẽ trở nên mỏng và chảy xệ nhiều hơn.
Giảm axit hyaluronic: đây là loại axit giúp giữ nước cho da, giúp da căng mọng tươi trẻ. Khi lượng axit này giảm dần theo độ tuổi, da sẽ trở nên khô và nhăn nheo.
Thay đổi nội tiết tố: sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến khô da, mỏng da và làm nhăn da.
Yếu tố môi trường
Tiếp xúc nhiều với tia UV: tia UV từ ánh nắng mặt trời sẽ làm hỏng DNA của tế bào da, dẫn đến các nếp nhăn, các đốm đồi mồi, nám da và thậm chí là ung thư da.
Ô nhiễm: các thành phần ô nhiễm trong không khí có thể gây nên kích ứng da, dẫn đến viêm da và lão hóa sớm.
Thuốc lá: hút thuốc và hít phải khói thuốc lá sẽ làm hỏng các mạch máu nhỏ trong da, làm giảm lượng máu và oxy đến da, dẫn tới xuất hiện các nếp nhăn và da bị xỉn màu.
Lối sống
Chế độ ăn uống: một chế độ ăn thiếu các dưỡng chất thiết yếu, chẳng hạn như vitamin E, vitamin C,...có thể làm suy yếu sức khỏe của da.
Thiếu ngủ: điều này có thể làm tăng cortisol – một loại hormon gây căng thẳng có thể làm hỏng collagen và elastin có trong da, làm tăng tốc độ lão hóa cho da.
Yếu tố di truyền
Một số ít trường hợp có xu hướng lão hóa sớm hơn bình thường do yếu tố di truyền.
Thuốc
Một số loại thuốc khi sử dụng trong thời gian dài có thể làm da trở nên suy yếu và lão hóa sớm, chẳng hạn như steroid.
Độ tuổi nào cần chống lão hóa da?
Lão hóa da là một quá trình mà chúng ta ai cũng phải trải qua. Độ tuổi lý tưởng để để bắt đầu chống lão hóa da là vào khoảng 25 tuổi vì đây là thời điểm mà quá trình sản xuất collagen và elastin tự nhiên của cơ thể bắt đầu chậm lại, dẫn đến các dấu hiệu của lão hóa như xuất hiện các nếp nhăn và chảy xệ. Bằng cách bắt đầu chống lão hóa từ giai đoạn này, bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện của lão hóa da.
Các giai đoạn lão hóa da diễn ra như thế nào?
Giai đoạn từ 18 – 25 tuổi
Ở giai đoạn này, quá trình trao đổi chất của cơ thể ổn định và mạnh mẽ, tình trạng da cũng rất lý tưởng. Đây được gọi là thời kỳ vàng son của da, đặc biệt là ở phụ nữ.
Mặc dù vậy nhưng nếu da không được chăm sóc cẩn thận thì các dấu hiệu của lão hóa sớm vẫn sẽ xuất hiện. Nhiều phụ nữ đã bắt đầu sử dụng các sản phẩm chống lão hóa ở giai đoạn này.
Giai đoạn từ 25 – 35 tuổi
Ở giai đoạn này, da bắt đầu bước vào quá trình lão hóa chậm:
- Các nếp nhăn xuất hiện trên trán khi cử động.
- Làn da dần mất đi vẻ rạng rỡ và giảm độ đàn hồi.
- Các nếp nhăn nhỏ bắt đầu xuất hiện quanh mắt và miệng.
- Da trở nên khô và dễ bị kích ứng hơn.
Giai đoạn 35 – 50 tuổi
- Các nếp nhăn trở nên rõ rệt hơn và bắt đầu xuất hiện ở các vùng khác trên khuôn mặt.
- Da dần mất đi độ ẩm và trở nên mỏng hơn.
- Một số có thể gặp các dấu hiệu ban đầu của tổn thương da do tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời như đốm nâu và tàn nhang.
- Lỗ chân lông ở mũi trở nên lớn hơn.
- Những mạch máu nhỏ xuất hiện trên má và quanh mũi do chúng giãn ra theo thời gian.
- Da mất đi độ săn chắc.
Giai đoạn 50 – 60 tuổi
- Lão hóa ở da được đẩy nhanh và trở nên rất rõ ràng.
- Các nếp nhăn trở nên sâu hơn và xuất hiện bọng mắt.
- Da có thể trở nên nhợt nhạt và mất đi sắc tố.
Giai đoạn từ 60 tuổi trở lên
- Nếp gấp ở mũi và má trở nên rất sâu khiến cho má bị chảy xệ nhiều hơn.
- Làn da ở vùng mắt chùng nhão làm mí mắt trên cụp xuống và bọng mắt to hơn.
Lão hóa da là một điều tất yếu xảy ra, tuy nhiên, bạn có thể làm cho các dấu hiệu lão hóa da xuất hiện trễ hơn nếu có các biện pháp phòng ngừa lão hóa đúng cách và áp dụng sớm.
Tài liệu tham khảo: National Institutes of Health, WebMD
Xem thêm