VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI LÀ GÌ? NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?
“Vi khuẩn ăn thịt người” là cụm từ mà nhiều người khi lần đầu nghe đến sẽ có cảm giác “đáng sợ”, kèm theo đó là rất nhiều câu hỏi như vi khuẩn ăn thịt người là gì, có nguy hiểm không, liệu vi khuẩn ăn thịt người có thực sự ăn thịt người như cái tên của nó? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu về loại vi khuẩn này ở bài viết dưới đây nhé.
Vi khuẩn ăn thịt người là gì?
Vi khuẩn ăn thịt người không phải là một loại vi khuẩn mà đó là thuật ngữ chung để chỉ các loại vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn sâu từ da xuống màng cơ (viêm cân hoại tử) với các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, kèm theo sốt, đau, sưng, đỏ, nóng và viêm.
Do các loại vi khuẩn này xâm nhập vào mô dưới da và gây viêm, các diễn biến lâm sàng diễn ra nhanh và nặng, tỷ lệ tử vong cao nên được đặt với cái tên đáng sợ là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Những loại vi khuẩn ăn thịt người
Các mầm bệnh phổ biến gây nên vi khuẩn ăn thịt người phổ biến nhất là Streptococcus pyogenes và Vibrio vulnificus. Ngoài ra còn có những loại vi khuẩn khác như Burkholderia pseudomallei, Klebsiella pneumoniae,...
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chỉ ra rằng ngoài Streptococcus nhóm A thì Vibrio vulnificus và Vibrio parahaemolyticus cũng thường được tìm thấy trong nước biển. Streptococcus nhóm A chủ yếu xâm nhập vào cơ thể con người thông qua các vết thương hoặc bệnh nhân bị viêm họng, trong cơ thể con người, Streptococcus nhóm A có khả năng sinh sản mạnh mẽ và nhanh chóng sản sinh ra độc tố, ăn mòn cơ và mô trong cơ thể khiến cho người bệnh bị tàn tật, bị sốc tâm lý và thậm chí là tử vong.
Vi khuẩn ăn thịt người không ám chỉ một loại vi khuẩn mà dùng chung cho các loại vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng sâu từ da xuống màng cơ (Ảnh minh họa: Canva)
Vi khuẩn ăn thịt người nguy hiểm như thế nào?
Bệnh nhân bị “vi khuẩn ăn thịt người” có thể không nhất thiết mắc các bệnh nghiêm trọng. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể dẫn đến tử vong bởi các biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Nhiễm khuẩn sâu trong mô cơ có tỷ lệ tử vong từ 17-49%. Mức độ nghiêm trọng của bệnh thường phụ thuộc vào thể trạng của từng người, nếu khả năng miễn dịch của người bệnh kém hoặc những bệnh nhân mắc bệnh về gan, bệnh nhân tiểu đường, tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là những bệnh nhân xơ gan có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng hơn. Các vùng nhiễm trùng rộng hoặc sâu sẽ khiến cho người bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Tại Việt Nam, bệnh vi khuẩn ăn thịt người xuất hiện rải rác, hiếm gặp và không lây lan thành dịch. Nhưng trường hợp tử vong bởi vi khuẩn ăn thịt người không phải là không có, các ca bệnh gần đây nhất xuất hiện ở Đắk Lắk và Thanh Hóa, trong đó, một bệnh nhi 15 tuổi ở Thanh Hóa nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Burkholderia pseudomallei đã tử vong vào ngày 19-09-2023 dù đã được điều trị tích cực.
Triệu chứng bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự như bệnh cúm bao gồm sốt, đau cơ, đau họng,...Tiếp sau đó, vết thương trên da sẽ ngày càng đau, các cơ và mô bắt đầu bị phá hủy. Huyết áp có thể giảm, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của máu, đặc biệt là gây hoại tử các mô trong cơ thể. Biểu hiện bên ngoài có thể kể đến là sưng đỏ kèm theo chảy máu và cứng vỏ, một số còn xuất hiện tiêu chảy, sốt.
Cách lây lan của vi khuẩn ăn thịt người
Vi khuẩn ăn thịt người thường ký sinh trên hải sản, các trường hợp mắc vi khuẩn ăn thịt người bởi loại vi khuẩn Vibrio hầu hết đều liên quan đến hải sản. Lặn biển, sử dụng hải sản ngoài chợ và bị thương bởi các loài hải sản gây ra đều có thể dẫn đến nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”, đặc biệt trong số nhiều cách lây nhiễm thì ăn hàu có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Vi khuẩn ăn thịt người thường ký sinh trên hải sản nên cần cẩn trọng khi sử dụng loại thực phẩm này (Ảnh minh họa: Canva)
Nếu vô tình bị thương ở tay do hải sản mua về, hãy nhớ rửa tay bằng chất sát trùng ngay lập tức và đừng tùy tiện xử lý, nếu không, vi khuẩn sẽ ăn mòn mô cơ và có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ trong trường hợp nghiêm trọng.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm bẩn, đặc biệt là những người bị thương ngoài da, bị bỏng,...Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần phải sử dụng băng chống thấm và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch bẩn ngay sau khi tiếp xúc.
Vi khuẩn có thể lây nhiễm vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, bệnh nhân phải nhập viện càng sớm càng tốt để loại bỏ các mô bị hoại tử và kết hợp điều trị bằng thuốc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong trong vài giờ. Vì vậy, khi phát hiện bệnh cần tích cực điều trị để không xảy ra những nguy cơ đáng tiếc.
Tài liệu tham khảo: Mahidol University, Sohu
Xem thêm