GOUT LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH GOUT
Được biết đến với mệnh danh là “căn bệnh của nhà giàu”, hiện nay, gout đã trở thành nỗi lo ngại của không ít người khi nó không còn hiếm gặp nữa mà đang ngày càng gia tăng và có xu hướng dần trẻ hóa. Vậy bệnh gout là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh ra sao? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu ngay dưới bài viết này nhé!
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout (hay còn gọi là bệnh thống phong) là một loại viêm khớp khởi phát cấp tính, phổ biến và phức tạp do sự hình thành và tích tụ của các tinh thể urat trong khớp và các mô xung quanh. Bệnh nhân gout thường bị đau đột ngột về đêm cùng với đó là xuất hiện phù nề, nóng đỏ ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối và cổ chân. Những cơn đau khớp thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Nguyên nhân gây ra bệnh gout
Bệnh gout có liên quan trực tiếp đến chứng tăng axit uric máu (>7 mg/dl) do rối loạn chuyển hóa purin hoặc do giảm bài tiết axit uric. Axit uric là một thành phần có trong máu nhưng độ hòa tan của nó thấp. Do đó, khi nồng độ axit uric trong máu vượt quá mức bão hòa, chúng sẽ bị ion hóa tạo thành các tinh thể muối monosodium urat trong khớp và lắng đọng ở các khớp ngoại vi cùng các mô xung quanh, gây ra bệnh gout. Khi đó, các tế bào miễn dịch được kích thích, gây ra các phản ứng viêm, các khớp sẽ rất đau, nóng và sưng.
Một số nguyên nhân gây ra bệnh gout có thể kể đến là:
Tiêu thụ quá nhiều purin từ thực phẩm
Purin là một nhóm chất có trong tất cả các mô của cơ thể và trong nhiều loại thực phẩm chẳng hạn như thận, gan, mực, hải sản, thịt đỏ và rượu. Cơ thể của chúng ta liên tục xử lý purin, trong quá trình đó, axit uric được hình thành. Nếu cơ thể không thể loại bỏ axit uric hiệu quả, nó sẽ tích tụ trong các khớp, gây ra viêm.
Bên cạnh đó, việc uống nhiều đồ uống chứa đường fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu vì fructose là một loại carbohydrate thúc đẩy quá trình tổng hợp axit uric và ức chế quá trình bài tiết axit này, dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh gout.
Tiêu thụ quá nhiều purin từ thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout (Ảnh minh họa: Pexels)
Di truyền
Một số người có xu hướng di truyền bệnh gout từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh gout thì khả năng mắc bệnh của các thành viên khác cũng sẽ tăng lên.
Quá trình trao đổi chất không cân bằng
Nếu cơ thể bạn tổng hợp quá nhiều axit uric hoặc loại bỏ quá ít nó, nồng độ axit uric trong máu có thể tăng cao dẫn đến bệnh gout.
Bệnh thận
Axit uric là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gout. Hầu hết axit uric được bày tiết qua nước tiểu ở thận. Khi mắc bệnh thận, khả năng bài tiết này bị hạn chế, làm cho lượng axit uric trong máu tăng cao gây nên bệnh gout.
Bên cạnh đó không thể không kể đến các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh gout:
Béo phì
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh gout vì béo phì dẫn đến tình trạng kháng insulin và cuối cùng là dẫn đến giảm bài tiết axit uric qua thận. Thêm vào đó, nó còn gây ra sự gia tăng axit béo tự do và tăng tổng hợp axit uric bằng các ảnh hưởng đến hoạt động của xanthine oxidase – một loại emzym chuyển hóa purin thành axit uric,... Do đó, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout mà còn khiến cho căn bệnh xuất hiện sớm hơn.
Sử dụng quá nhiều rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến các cơn gout cấp tính vì:
- Ethanol trong rượu bia kích thích cơ thể tổng hợp axit lactic – một chất ức chế cạnh tranh sự bài tiết axit uric ở ống thận. Không những thế, nó còn thúc đẩy cơ thể sản xuất axit uric bằng cách làm tăng sự phân hủy ATP thành adenosin monophosphate.
- Việc uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài sẽ làm cho nồng độ insulin trong máu tăng cao, ức chế đường truyền tín hiệu insulin, làm tăng nguy cơ kháng insulin, tăng tái hấp thu axit uric và tăng nồng độ axit uric trong máu.
Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến các cơn gout cấp tính (Ảnh minh họa: Pexels)
Huyết áp cao
Một nghiên cứu được thực hiện trên những người dân Hoa Kỳ trong 9 năm cho thấy những người tham gia bị huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn đáng kể so với những người không bị huyết áp cao.
Nguyên nhân có thể do khi huyết áp cao, vi mạch bị tổn thương dẫn đến tình trạng thiếu oxy mô, làm cho nồng độ axit lactic trong máu tăng cao gây ức chế bài tiết urat ở ống thận, cuối cùng là gây ứ đọng axit uric dẫn đến gout. Ngoài ra, việc bệnh nhân cao huyết áp sử dụng thuốc lợi tiểu trong thời gian dài đều có thể thúc đẩy sự tăng nồng độ axit uric trong máu.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), aspirin liều thấp (75-150 mg/ngày), cyclosporine, pyrazinamid,...có thể làm tăng hàm lượng axit uric trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Các triệu chứng của bệnh gout
Giai đoạn không triệu chứng
Ở giai đoạn này, chỉ có sự tăng axit uric máu, chưa có dấu hiệu rõ ràng của bệnh (viêm khớp, xuất hiện hạt tophi và sỏi thận). Thời gian từ lúc tăng axit uric máu cho đến khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng có thể kéo dài vài năm, một số trường hợp có thể không có triệu chứng suốt đời.
Giai đoạn viêm khớp cấp tính và giai đoạn gián đoạn
Ở giai đoạn này, người mắc bệnh gout thường bị đau dữ dội, đột ngột ở một hoặc nhiều khớp và đau nhiều hơn khi về đêm hoặc sáng sớm, các khớp bị sưng đỏ, nóng, bề mặt khớp có màu tím đỏ, căng và bóng đôi khi kèm theo sốt.
Các cơn đau gout xuất hiện ở giai đoạn đầu thường chỉ liên quan đến một khớp, kéo dài trong vài ngày và thường tự khỏi trong 2 tuần sau đó biến mất hoàn toàn.
Người bị mắc bệnh gout thường đau dữ dội ở một hay nhiều khớp (Ảnh minh họa: Canva Pro)
Tạo thành các hạt tophi và giai đoạn viêm khớp mãn tính
Sự xuất hiện của hạt tophi là một biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh gout, vị trí điển hình là ở vành tai, ngoài ra còn xuất hiện ở xung quanh khớp và bao hoạt dịch xương bánh chè. Chúng có thể được cảm nhận dưới da như các hòn bi cứng và thường đau khi chạm vào.
Khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn và không được điều trị tích cực ở giai đoạn đầu, các cơn đau khớp sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài trong 3 tuần hoặc lâu hơn. Bên cạnh đó, một lượng lớn hạt tophi lắng đọng trong khớp gây ra sự phá hủy xương khớp, dẫn đến biến dạng khớp, đặc biệt là khớp ở bàn tay và bàn chân, trường hợp nặng có thể dẫn đến tàn tật.
Một số triệu chứng khác kèm theo bao gồm: sốt (có thể lên đến trên 38 độ C), nhịp tim nhanh, cảm giác khó chịu mệt mỏi và ớn lạnh.
Gout là một căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó để lại các cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả làm việc của bệnh nhân. Chính vì thế, bạn cần chủ động khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo: vinmec, webmd
Xem thêm