KHÁM PHÁ NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG CÁCH ĂN MỪNG TẾT TRUNG THU CỦA NHỮNG NƯỚC CHÂU Á
Tết Trung Thu (15 tháng 8 âm lịch) là một trong những lễ hội lớn diễn ra thường niên ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,...
Đây là dịp để gia đình đoàn viên cũng như tham gia những hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên ở mỗi đất nước lại có phong tục ăn mừng Tết Trung Thu khác nhau đấy. Cùng dạo một vòng châu Á xem ý nghĩa của ngày này và người dân chuẩn bị gì, ăn gì trong “lễ hội trăng tròn” nhé!
Nét độc đáo trong cách ăn mừng Tết Trung Thu của những nước châu Á
1. Tết Trung Thu ở Việt Nam - Tết của thiếu nhi
Do ảnh hưởng nền văn hóa Hán học nên tết Trung Thu từ lâu đã trở thành lễ hội truyền thống của Việt Nam. Vào ngày này, trẻ con sẽ được người lớn tặng đồ chơi, đèn ông sao, đèn kéo quân,... tham gia các hoạt động rước đèn, phá cỗ và thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo cùng hoa quả. Vì vậy, đây còn được xem là ngày tết của thiếu nhi.
Tết Trung Thu ở Việt Nam - Tết của thiếu nhi
Tết Trung Thu còn là dịp gia đình quây quần cùng ngắm trăng và nhâm nhi ít trà bánh, kể nhau nghe sự tích cây đa chú Cuội. Mâm cỗ Trung Thu của người Việt mình rất phong phú gồm: bánh Trung Thu, kẹo, bưởi, dừa, hoa quả, đặc biệt phải có đủ 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành của trời đất.
Mâm cỗ Tết Trung Thu của người Việt
2. Tết Trung Thu ở Trung Quốc - “Tiết đoàn viên”
Đất nước này chính là “quê hương” của Tết Trung Thu với nhiều sự tích, câu chuyện ly kỳ xoay quanh nó. Ở Trung Quốc, tết Trung Thu diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Theo phong tục của người Trung Hoa, đây là thời điểm mọi người trong gia đình tụ họp lại, dù có đi làm, học hành xa xôi mấy cũng phải trở về dùng bữa cơm đoàn viên.
Ở Trung Quốc có hai loại bánh Trung Thu: bánh nướng và bánh dẻo, song mỗi vùng miền lại có hương vị, hình dáng khác nhau.
Sau bữa cơm sum họp, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ăn bánh Trung Thu, thưởng nguyệt bên ánh đèn lồng, thả đèn trên sông cầu bình an còn những người trẻ thường tham gia giải câu đố và thông qua đó để bày tỏ tình yêu.
Múa rồng lửa là hoạt động không thể thiếu trong tết Trung Thu của người Trung Quốc vì họ tin rằng rồng lửa sẽ mang may mắn, an lành đến mỗi gia đình.
3. Tết Trung Thu ở Đài Loan - Tết thịt nướng
Giống nhiều nước châu Á, tết Trung Thu ở Đài Loan cũng được tổ chức vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Vì là lễ hội lớn và quan trọng với người dân Đài Loan nên vào ngày Trung Thu mọi người sẽ được nghỉ, tất cả cửa hàng cũng không hoạt động để hòa chung không khí ăn mừng.
Bánh Trung Thu trứng muối và quả bưởi là hai món ăn thường được người dân xứ Đài dùng làm quà biếu người thân, bạn bè như một cách thể hiện sự yêu mến, thân thiện.
Và nếu có dịp du lịch đến Đài Loan vào mùa này bạn sẽ thấy mỗi nhà đều bày bếp lò nghi ngút mùi thịt nướng ngoài trời rất nhộn nhịp tượng trưng cho sự sum họp, ấm áp, hạnh phúc của gia đình.
Tết Trung Thu ở Đài Loan - Tết thịt nướng
4. Tết Trung Thu ở Nhật Bản - Lễ hội ngắm trăng
Khi du nhập vào Nhật Bản, tết Trung Thu được tổ chức đến 2 lần. Lễ thứ nhất là Yugoya gắn với phong tục cổ truyền Otsukimi, có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu. Và sau đó một tháng là lễ Jusanya nhằm ngày 13 tháng 9 âm lịch.
Zyuyoga đối với người Nhật chính là lễ hội tôn vinh mặt trăng và tạ ơn một mùa vụ bội thu.
Vào ngày lễ hội này người Nhật thường ăn bánh Dango - một loại bánh bao được làm từ bột gạo, bày trí thêm chiếc bình làm từ cỏ susuki rồi thưởng thức cùng trà dưới ánh trăng tròn đầy nhất trong năm. Còn trẻ em sẽ được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép (tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh) để tham gia hội rước trăng.
Bánh Dango - món ăn đặc trưng của người Nhật trong dịp Tết Trung Thu
5. Tết Trung Thu ở Hàn Quốc - Lễ tạ ơn
Tết Trung Thu ở Hàn Quốc còn có tên gọi Chuseok hay còn là lễ tạ ơn, diễn ra vào ngày rằm tháng 8. Tết Chuseok là một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất Hàn Quốc, kéo dài trong 3 ngày. Đây là khoảng thời gian người dân xứ Hàn nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình và đi tảo mộ.
Tết Trung Thu ở Hàn Quốc - Lễ tạ ơn
Vì tết Trung Thu là thời điểm nhà nhà đều vào vụ thu hoạch nên người Hàn sẽ dùng những sản phẩm mới gặt được như: rau, hoa quả, cá, thịt,... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên. Vào ngày lễ, cả trẻ em và người lớn đều mặc trang phục hanbok truyền thống và tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đấu vật, yutnori, múa Ganggangsullae,...
Ở Hàn Quốc, bánh Trung Thu là Songpyeon (bánh trăng khuyết) được làm từ bột gạo, đậu đỏ, đậu nành, vừng,... nhiều màu sắc với hàm ý “trăng khuyết rồi sẽ tròn”.
6. Tết Trung Thu ở Thái Lan - Lễ hội cầu trăng
Khác với ý nghĩa thưởng trăng, ngắm trăng thì nơi xứ sở Chùa Vàng là tết cầu trăng hay còn là cúng trăng. Vào dịp này, người dân Thái Lan sẽ ngồi cùng nhau bên bàn thờ để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình.
Vào ngày này, người dân Thái sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống lộng lẫy và tụ họp lại thả đèn trời viết lời nguyện để gửi tới mặt trăng.
Người dân xứ Chùa Vàng tin rằng bàn thờ tổ tiên không thể thiếu quả đào và bánh Trung Thu vì họ quan niệm Bát Tiên sẽ mang quà đào đó đến cung trăng chúc thọ Quan Âm và chứng giám cho những lời ước nguyện. Quả bưởi cũng là thức quả được ưa chuộng trong dịp này với mong muốn sự viên mãn, sum vầy và ngọt ngào.
Ngày nay, bánh Trung Thu phổ biến ở Thái Lan là bánh nướng nhân sầu riêng trứng muối tượng trưng cho mặt trăng tròn.
7. Tết Trung Thu ở Singapore - Lễ hội bánh trung thu
Phần lớn dân cư của “đảo quốc sư tử” là người Hoa nên tết Trung Thu cũng từ đó xuất phát, diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Nhiều hoạt động trang trí đường phố và vui chơi giải trí như: múa lân, múa rồng, rước đèn,... được tổ chức hoành tráng và thường được chuẩn bị trước đó cả tháng.
Lễ hội bánh trung thu tại Singapore
Bánh Trung Thu là món quà được sử dụng nhiều nhất để thay lời chúc may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh ở đất nước này. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để các thành viên trong gia đình sum họp thưởng trăng và phá cỗ, trẻ nhỏ thì được tham gia rước đèn, xem các tiết mục hài kịch.
Ngoài những loại bánh nướng, bánh dẻo truyền thống thì người Singapore còn sáng tạo món bánh Trung thu lạnh, bánh dẻo nhân trà xanh hay bánh nướng nhân bí đỏ với nhiều màu sắc bắt mắt, hấp dẫn.
Tết Trung Thu - tết sum vầy
Tết Trung Thu là lễ hội truyền thống của nhiều nước châu Á. Tuy mỗi nơi có cách ăn mừng khác nhau nhưng quy chung đây là dịp người đi xa lại nhớ quay về sum họp với gia đình, bên ánh trăng mùa thu thưởng thức ít bánh cùng tách trà lòng người càng thêm gắn kết, vẹn tròn hơn.
(Nguồn: cooky.vn)
Xem thêm