BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ: NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT
Bắt đầu từ tháng 5 năm 2022, sự xuất hiện bất ngờ của đậu mùa khỉ tại nhiều khu vực mà trước đây chưa từng ghi nhận ca bệnh cho thấy bệnh đã âm thầm lây lan một thời gian. Một đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên khắp nước Mỹ, châu Âu, Australia và Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát trên diện rộng. Cần làm gì để tự bảo vệ mình khỏi dịch bệnh là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ tương tự như virus gây bệnh đậu mùa ở người trước đây, thuộc chi Orthopoxvirus. Bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra ở người xảy ra ở Châu Phi một cách không thường xuyên. Hầu hết các trường hợp dịch đậu mùa khỉ được báo cáo là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Kể từ năm 2016, các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận tại Sierra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Nigeria, đây là những nơi đã trải qua đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ lớn nhất gần đây, tỷ lệ mắc mới cao gấp 20 lần so với trước đó được giải thích là do việc ngừng tiêm chủng vắc xin đậu mùa vào năm 1980.
Những người đã được tiêm vắc xin đậu mùa, thậm chí đã tiêm hơn 25 năm trước, đều ít nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi có xu hướng ngày càng gia tăng do con người đang xâm phạm sâu vào môi trường sống của các loài động vật hoang dã mang virus đậu mùa khỉ.
Đậu mùa khỉ hiện nay có 2 chủng, với khả năng gây tử vong lần lượt là 1% hoặc 10%, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng rủi ro của căn bệnh này hiện nay đối với cộng đồng còn thấp. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 17 tháng 6, họ đã nhận được báo cáo về 2.103 ca đậu mùa khỉ và một ca nghi nhiễm, trong đó có một trường hợp tử vong. Hầu hết các ca bệnh được ghi nhận trong tháng 5 năm 2022.
Đậu mùa khỉ vừa có đợt bùng phát dịch lớn nhất gần đây (Ảnh: WHO)
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ là loại virus lưu hành phổ biến ở các động vật có vú nhỏ tại châu Phi như chuột, khỉ. Mầm bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu vào những năm 1950, lây nhiễm sang người vào năm 1970.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật sang người qua tiếp xúc dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc giọt bắn đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ vết thương trên da. Sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ từ người sang người xảy ra không hiệu quả và được cho là xảy ra hầu hết qua các giọt bắn đường hô hấp lớn khi tiếp xúc trong thời gian dài.
Hiện nay, giới chức y tế các nước vẫn chưa giải thích được nguyên nhân virus đậu mùa khỉ đột ngột lây lan. Cơ quan chức năng đang điều tra giả thiết bệnh đậu mùa khỉ có hay không có khả năng lây lan qua đường tình dục. Các ca nhiễm bệnh gần đây chủ yếu là nam giới trong cộng đồng LGBT do đó các chuyên gia kêu gọi nhóm đối tượng này cần đặc biệt lưu ý đến các điểm bất thường trên cơ thể như: phát ban, mụn nước...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm virus và mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trẻ em, phụ nữ có thai và người bị suy giảm miễn dịch là những đối tượng có nguy cơ đặc biệt cao.
Trong thông báo của WHO cho biết, "bất kỳ ai tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm đều có nguy cơ mắc bệnh".
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ (Ảnh: Bộ Y tế Việt Nam)
Dấu hiệu nhận biết của bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Hiện tại triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ đang được theo dõi để làm rõ. Trước tiên nguy cơ lây bệnh được xác định có thể là liên quan đến vấn đề giọt bắn ở đường hô hấp. Khi sống chung hay dùng chung đồ với người mắc bệnh đậu mùa khỉ bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên hiện tại những trường hợp được ghi nhận là mắc đậu mùa khỉ chủ yếu nằm ở trẻ em.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể nhận biết nếu bạn gặp một số biểu hiện như: Sốt cao, đau cơ, hạch bạch huyết, phát ban,.... Thông thường bệnh này có thể kéo dài 2 - 4 tuần và triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện sau khi cơ thể nhiễm virus từ 5 đến 21 ngày.
Hầu hết các ca đậu mùa khi ghi nhận đều thấy rằng biểu hiện ban đầu phần lớn là sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết và kiệt sức. Với người bệnh đã khởi phát cơn sốt phần lớn người bệnh đều nổi ban kèm ngứa ngáy 1 - 3 ngày. Mặt là bộ phận đầu tiên xuất hiện và sau đó sẽ lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể.
Ban đầu mụn có mủ nước sẽ chỉ xuất hiện lưa thưa nhưng sau đó sẽ phát tán và số nốt có thể đến hàng nghìn. Bên trong mỗi nốt mụn chứa đầy dịch được gọi là mủ. Khi điều trị tốt chúng sẽ dần đóng vảy và tiêu biến dần đến khi da trở lại trạng thái bình thường.
Với COVID 19, nguy cơ lây nhiễm đến từ giọt bắn. Nhưng bệnh đậu mùa khỉ lại lây nhiễm là tiếp xúc gần hay dùng chung đồ với người nhiễm bệnh. Chính vì thế bạn cần tránh sử dụng chung đồ cá nhân hay giường ngủ với người đang nhiễm bệnh để tránh bị truyền nhiễm.
Dựa theo những phân tích y khoa, bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm chính cần lưu ý:
- Lây nhiễm thông qua vết xước, vết cắn mà động vật cắn đã nhiễm virus.
- Người ăn thịt động vật và động vật bị ăn thịt đó đang nhiễm bệnh
- Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ cần 5 -21 ngày mới có thể nhìn thấy. Khi đó, da bắt đầu chịu tổn thương. Song song với tổn thương da là tổn thương đường hô hấp hay niêm mạc tại mắt, mũi, miệng. Đối với con người bệnh này có thể lây qua giọt bắn nhưng khoảng cách là ngắn nên nếu không tiếp xúc gần sẽ không dẫn đến lây nhiễm cao. Bạn có thể dựa vào đó để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Hình ảnh một bệnh nhân bị đậu mùa khỉ (Ảnh: WHO)
Các tổ chức y tế vẫn đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ này. Theo tổ chức WHO có 3 đặc điểm bất thường phổ biến được tìm thấy ở các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ.
- Bệnh nhân chưa đi đến khu vực được xác định có số ca mắc đậu mùa khỉ cao.
- Bệnh có nguy cơ khi thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục.
- Sự lây lan của dịch bệnh rất âm thầm và chỉ trong một khoảng thời gian.
Nam giới đồng tính và song tính được Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng, do các ca nhiễm phần lớn là người thuộc cộng đồng này. Cho dù bệnh đậu mùa khỉ trước đây không nằm trong nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các đợt bùng phát lần này có thể là bằng chứng cho thấy virus có đặc tính này.
6 biện pháp giúp bạn phòng chống bệnh đậu mùa khỉ đang “nóng” tại nhiều quốc gia
Cùng với yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đi về từ 12 quốc gia lưu hành ca bệnh đậu mùa khỉ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng chống tạm thời căn bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới:
- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
- Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Vệ sinh sạch sẽ là cách hữu hiệu giúp bạn phòng bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh minh họa: Pexels)
Nguồn: Vinmec, suckhoedoisong, Bộ y tế
Xem thêm