MÁCH BẠN 25 “MẸO” HỮU HIỆU GIÚP CẢI THIỆN TRÍ NHỚ (Phần cuối)
Đã có 12 trong tổng số 25 “mẹo” hữu hiệu giúp cải thiện trí nhớ được bật mí. Vậy phần còn lại thì sao? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây và đã có mẹo nào lọt vào “mắt xanh” của bạn chưa?
Thắc mắc chuyện gì đang xảy ra? Nhanh đọc phần đầu để không bỏ lỡ!
13. Ăn nhiều hơn các loại thực phẩm này
Có nhiều loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe não bộ, trong đó có thể bao gồm tác dụng giúp cải thiện trí nhớ và giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và Alzheimer:
- Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là các loại rau củ có màu lá xanh đậm và các loại quả mọng.
- Các loại ngũ cốc.
- Các loại đậu.
- Các loạt hạt.
- Gà hoặc gà tây.
- Dầu olive hoặc dầu dừa.
- Các loại thảo mộc và gia vị.
- Các loại cá béo, như cá hồi hoặc cá mòi.
- Rượu vang đỏ (dùng với mức độ vừa phải).
Các loại cá béo là nguồn dồi dào cung cấp acid béo omega-3. Đây là các chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành não bộ và các tế bào thần kinh. Chúng rất thiết yếu đối với hoạt động học tập, trí nhớ và được cho thấy có tác dụng giúp trì hoãn tình trạng suy giảm nhận thức.
Các loại cá béo chứa nhiều omega-3 rất tốt cho não bộ và thần kinh (Ảnh minh họa: Unsplash)
14. Ăn ít lại các loại thực phẩm này
Bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm sau đây:
- Nhiều đường.
- Thức ăn đóng hộp hoặc đã chế biến.
- Bơ.
- Thịt đỏ.
- Đồ chiên.
- Nhiều muối.
- Phô mai.
Đường và chất béo có liên quan đến việc suy giảm trí nhớ. Một nghiên cứu gần đây ở người cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo và đường (thường gặp ở các chế độ ăn của người phương Tây) có thể làm suy giảm trí nhớ của vùng hải mã. Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện dưới dạng câu hỏi và khảo sát nên có thể không chính xác, cần được nghiên cứu rõ ràng hơn.
15. Tránh dùng một số loại thuốc
Có thể bạn đang sử dụng các loại thuốc nào đó từ đơn của bác sĩ và việc tuân thủ uống thuốc, cùng làm theo các lời khuyên về thay đổi lối sống và chế độ ăn cũng rất quan trọng. Trong trường hợp bạn không được kê đơn, việc tự ý sử dụng những loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, hãy luôn cẩn thận và chỉ sử dụng theo sự tư vấn và chẩn đoán từ các bác sĩ.
Có một số loại thuốc kê đơn, như nhóm thuốc statin được dùng để điều trị mỡ máu (lượng cholesterol) tăng cao, có liên quan đến tình trạng suy giảm trí nhớ và “sương mù não” (Đây là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tinh thần, chẳng hạn như mệt mỏi mãn tính, kém tập trung hoặc thiếu minh mẫn). Giảm cân và có chế độ ăn lành mạnh cũng có thể giúp điều trị tình trạng tăng mỡ máu.
Ngoài ra, các loại thuốc kê đơn khác có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ như:
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc chống lo âu.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Thuốc ngủ.
- Metformin (Thuốc thường dùng để điều trị bệnh đái tháo đường).
Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc để điều trị bệnh (nhất là các căn bệnh mãn tính cần thời gian điều trị lâu dài và đòi hỏi sự tuân thủ dùng thuốc của người bệnh), bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nếu nhận thấy có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Có nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ (Ảnh minh họa: Unsplash)
16. Vận động, tập thể dục
Vận động hay tập thể dục cho thấy có rất nhiều lợi ích đối với nhận thức. Hoạt động này giúp tăng vận chuyển lượng oxy và dinh dưỡng vào trong cơ thể, đồng thời cũng giúp tạo nên các tế bào não mới cần thiết cho việc lưu trữ trí nhớ nữa. Ngoài ra, vận động còn đặc biệt làm tăng số lượng các tế bào cho vùng hải mã - một nơi rất quan trọng đối với trí nhớ.
Thế thì vận động bao nhiêu là đủ? Bạn không cần phải làm đến mức mồ hôi đầm đìa hay thân thể rã rời, chỉ nhẹ nhàng và vừa phải như đi bộ là cũng đủ cho một sự lựa chọn tuyệt vời rồi.
17. Kiểm soát căng thẳng
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng ra một loại hormon có tên là cortisol. Cortisol đã được chứng minh là có thể làm suy giảm đáng kể quá trình ghi nhớ của não, đặc biệt là khả năng lấy lại các ký ức dài hạn. Căng thẳng và trầm cảm thậm chí còn có thể gây teo não, dựa theo các nghiên cứu trên động vật.
18. Giao tiếp
Con người chúng ta là loài sinh vật có tập tính xã hội. Đó chính là lý do cho việc giao tiếp, cũng như kết nối với những người khác là điều không thể thiếu và vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Một nghiên cứu vào năm 2007 đã cho thấy những người có cuộc sống xã hội phát triển tích cực, năng nổ thì sẽ có tốc độ suy giảm nhận thức chậm nhất. Không chỉ đem lại những lợi ích cho não bộ, cả sức khỏe tinh thần và cảm xúc của một người cũng sẽ được cải thiện rõ rệt theo. Đơn giản vì chỉ cần 10 phút trò chuyện cùng người khác thôi, bạn cũng đã có những cải thiện đáng kể về trí nhớ rồi.
Có thể thật khó tin, khi chỉ với 10 phút trò chuyện cùng người khác, bạn cũng đã có những cải thiện đáng kể về trí nhớ rồi (Ảnh minh họa: Unsplash)
19. Uống nước
Bộ não của chúng ta có thành phần chủ yếu là nước. Thế nên nước đóng vai trò như một chất giảm sốc cho não và tủy sống. Nó cũng giúp các tế bào não của chúng ta sử dụng các chất dinh dưỡng nữa. Chính vì vậy, chỉ cần một lượng mất nước nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại.
Mất nước nhẹ đã được chứng minh có thể gây teo não và suy giảm trí nhớ. Hãy cố gắng uống ít nhất từ 8 đến 10 ly nước mỗi ngày hoặc nhiều hơn.
20. Uống cà phê
Caffein – chất có trong cà phê đã được chứng minh là có tác dụng giúp tăng cường trí nhớ và giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson cùng Alzheimer. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn nên uống càng nhiều càng tốt.
Khi tiêu thụ quá nhiều lượng caffein, nhất là thời gian cuối ngày, cà phê có thể có gây tác dụng ngược lại làm giảm chất lượng giấc ngủ và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ cùng trí nhớ.
21. Đừng nhậu quá độ
Đúng là uống rượu vừa phải có thể có tác động tích cực đến trí nhớ, nhưng hãy nhớ rằng vừa phải có nghĩa là mỗi ngày chỉ 1 ly đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới. Uống nhiều hơn mức độ này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng lưu trữ thông tin cũng như giấc ngủ của bạn.
22. Thiền
Có nhiều bằng chứng về lợi ích sức khỏe của thiền. Các nghiên cứu cho thấy rằng thiền định có thể giúp cải thiện một số chức năng nhận thức, như khả năng tập trung, trí nhớ và học tập. Ngoài ra, thiền còn có thể kích thích não bộ và khuyến khích tạo ra nhiều kết nối hơn giữa các tế bào não.
23. Dành thời gian với thiên nhiên
(Ảnh minh họa: Pexel)
Hòa mình vào thiên nhiên là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Việc tận hưởng và dành thời gian cho điều này thậm chí có thể được xem như là một hình thức thiền định. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy rằng đi dạo trong công viên có thể giúp cải thiện trí nhớ và sự chú ý nhiều hơn so với đi dạo trong thành phố. Tương tự như vậy, làm vườn hàng ngày có thể giúp bạn làm giảm đến 36% nguy cơ mất trí nhớ.
24. Tập yoga
Một nghiên cứu từ năm 2012 cho thấy chỉ 20 phút tập yoga đã cải thiện đáng kể tốc độ và độ chính xác của những người tham gia trong các bài kiểm tra trí nhớ. Họ cũng thực hiện tốt hơn đáng kể các bài kiểm tra khi so sánh với tập thể dục nhịp điệu. Tuy nhiên, nghiên cứu bị giới hạn bởi quy mô chỉ gồm 30 sinh viên nữ. Yoga cũng nhấn mạnh ở điểm hít thở thông qua việc sử dụng cơ hoành, giúp tăng tối đa lượng oxy được đưa vào cơ thể của chúng ta, từ đó giúp cải thiện chức năng tâm thần.
25. Giảm cân
Những người có nhiều mô mỡ thì thường có ít nước hơn so với những người có ít mô mỡ. Những người thừa cân cũng có ít mô não hơn. Khi bạn càng thừa cân, não sẽ càng dễ bị teo lại và gây ảnh hưởng đến trí nhớ.
(Ảnh minh họa: Unsplash)
TÓM LẠI,
Trí nhớ của chúng ta là một kỹ năng, và cũng giống như các kỹ năng khác, nó có thể được cải thiện khi được tập luyện và kết hợp với các thói quen lành mạnh khác.
Hãy bắt đầu với những bước đi thật nhỏ gọn. Ví dụ như chọn một hoạt động thử thách nào đấy mới mẻ để học, kết hợp cùng vài phút tập thể dục trong ngày, duy trì giờ giấc ngủ thích hợp và ăn thêm một vài loại rau xanh, cá và các loại hạt tốt cho sức khỏe.
Lần tới khi bạn phải ôn thi, kiểm tra hay tham gia một cuộc thi nào đó, hãy thử một trong những kỹ thuật được các nhà vô địch về trí nhớ đã gợi ý như: nhóm hoặc phân khúc thông tin, cung điện trí nhớ hay phương pháp nhớ lại.
Nguồn: Healthline
Xem thêm