BƯỚC SANG NĂM MỚI, "MÙNG 3 TẾT THẦY"
Việt Nam ta có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Mùng 3 Tết thầy là nét đẹp về truyền thống tôn sư trọng đạo của nước ta, vì sao có phong tục này? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu nhé
Tết Nguyên Đán là ngày hội lớn nhất trong năm với nhiều phong tục quý báu. Ngày đầu năm người người nhà nhà đều mong ước điều phúc lành cho bản thân và gia đình. Mặc dù đã có ngày 20-11 là ngày nhà giáo Việt Nam, thế nhưng tại sao lại có phong tục “mùng 3 Tết thầy” vào mùa Xuân mới?
Ý nghĩa “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ”
Năm mới là năm khởi đầu, ai cũng hi vọng sẽ có một năm suôn sẻ và vạn sự như ý, vì vậy ba ngày đầu tiên của năm là ba ngày mà dân ta gửi đến điều hi vọng đẹp đẽ nhất, khoảnh khắc quý giá nhất đến những người quan trọng của mình.
“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ”, đấng sinh thành có công ơn nuôi dưỡng to hơn cả biển trời. Chữ hiếu luôn đứng hàng đầu và mang giá trị cao đẹp nhất trong văn hóa người Việt, mọi thế hệ đều ghi nhớ những lời khuyên răn và công sức mưu sinh của cha mẹ, nuôi dưỡng con cái thành người. Hai ngày đầu xuân năm mới là hai ngày đẹp nhất, vì vậy đây là dịp để mọi người hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cúng bái tổ tiên và quây quần bên gia đình với bữa ăn ngày Tết ấm cúng.
(Ảnh minh họa: Unplash)
“Mùng 3 Tết thầy”
“Mùng 3 Tết thầy”. Nếu như cha mẹ có công sinh thành và dưỡng dục, thì thầy cô lại có công dạy dỗ mọi thế hệ nên người. Việt Nam ta truyền tụng câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ngụ ý rằng mỗi người đều nên hướng về cội nguồn của mình và hãy luôn ghi nhớ và biết ơn thầy cô. Hình ảnh người cô, người thầy chăm chút giảng bài cho học trò luôn là hình ảnh đẹp đẽ trong cuộc đời của mỗi người thời học sinh. Thầy cô là người đã truyền đạt cho chúng ta những kiến thức mới mẻ, là nguồn động viên to lớn cho các học sinh trên con đường học tập và cả đường đời về sau. Ai cũng biết rằng, ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 là ngày biết ơn và tri ân người giáo viên long trọng nhất trong năm. Đây là một ngày để tôn vinh công ơn của thầy cô đã dạy dỗ thế hệ học trò, các học sinh sẽ gửi đến giáo viên những bó hoa tươi thắm, những tấm thiệp với lời chúc chân thành hay những món quà ý nghĩa đặc biệt. Vào mỗi dịp xuân đến, phong tục mùng 3 đã bắt nguồn từ dân gian truyền tụng, các thầy cô thường được học sinh cũ ghé thăm để cùng nhau ôn lại chuyện cũ, gặp gỡ bạn bè cùng lớp và kể về cuộc sống khi đã trưởng thành hơn, và trao những lời chúc năm mới. Thế nên bên cạnh ngày 20-11, ngày mùng 3 mùa xuân hàng năm đã trở thành một ngày vô cùng quan trọng để gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến người truyền lửa của mỗi chúng ta.
(Ảnh minh họa: Pexels)
Phong tục ngày nay
Nghề giáo viên là nghề cao quý, nhưng cũng có rất nhiều giáo viên không tôn trọng nghề nghiệp của bản thân, mà lấy đó để trục lợi cho mình. Hiện nay trên báo đài ngày càng có nhiều thông tin giáo viên đe dọa, thậm chí hành động bạo lực với học sinh, hay bắt ép học sinh phải học thêm môn của mình. Điều đó đã khiến cho hình ảnh người giáo ngày càng biến chất và các học sinh cũng dần dần mất đi sự tôn trọng với giáo viên.
Ngoài ra, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều người có ý kiến nên loại bỏ những phong tục không cần thiết, và thế hệ học sinh được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin đa chiều, dẫn đến hình thành ý nghĩ hiện đại và bỏ quên giá trị truyền thống ngày xưa.
Thế nhưng cho dù cuộc sống có đổi mới và phát triển đến mấy, thì những giá trị văn hóa tươi đẹp của nước ta cần được giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ mai sau. Vì vậy, chúng ta nên loại bỏ những hủ tục vô lý, nhưng kế thừa và phát huy truyền thống tinh thần cao quý của dân tộc ta.
(Ảnh minh họa: Pixabay)
Mùng 3 Tết này, bạn đã có dự định về thăm thầy cô của mình chưa?
Xem thêm