VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI CÓ THỰC SỰ "ĂN THỊT NGƯỜI"?
Trong những ngày mưa trở lại đây, môi trường không khí trở nên ẩm ướt và xuất hiện nhiều bùn đất hơn. Đi kèm với điều kiện môi trường “thuận lợi” này thì sự sinh sôi của các loài vi khuẩn cũng trở nên mạnh mẽ hơn, trong đó, căn bệnh nhiễm khuẩn đáng lo ngại nhất và vô cùng nguy hiểm – bệnh vi khuẩn ăn thịt người Whitmore cũng xuất hiện vào thời gian này. Vậy bệnh vi khuẩn ăn thịt người là gì và nó có thực sự "ăn thịt người" như tên gọi? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh vi khuẩn ăn thịt (viêm cân hoại tử) là một căn bệnh nhiễm trùng mô mềm nghiêm trọng gây ra bởi vi khuẩn. Nó có thể dẫn đến tổn thương da và các lớp cơ bên trong, khi không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu.
Nguyên nhân gây nên bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Nguyên nhân chính gây nên bệnh là do sự xâm nhập vào cơ thể của các loài vi khuẩn thông qua các vết thương, vết côn trùng cắn, vết bỏng hoặc những vùng da bị tổn thương khác.
Vi khuẩn nhóm A Streptococcus
Loài vi khuẩn này là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh vi khuẩn ăn thịt người, chúng thường tồn tại trên da hoặc họng của một số người nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Staphylococcus aureus
Một số chủng vi khuẩn này cũng gây ra bệnh vi khuẩn ăn thịt người, chúng thường tồn tại trên da và xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trên da.
Bên cạnh đó còn có các loài vi khuẩn khác cũng gây nên bệnh như Vibrio vulnificus, Clostridium perfringens, Klebsiella,...
Nhìn chung, các loài vi khuẩn này có khả năng lan rộng nhanh và gây tổn thương nghiêm trọng cho các mô của cơ thể, do đó, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng, giúp hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Vi khuẩn ăn thịt người có thực sự “ăn thịt người”?
Vi khuẩn ăn thịt không phải là tên gọi của một loại vi khuẩn mà là một cụm từ nói chung để đề cập đến một số loại vi khuẩn gây ra viêm cơ hoại tử, trong đó, phổ biến nhất là vi khuẩn Streptococcus pyogenes, Vibrio vulnificus, Staphylococcus aureus,... Do các loài vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy mỡ và các mô, dẫn đến lượng máu cung cấp đến các vùng đó không đủ gây chết cơ. Chính vì thế mà nó được gọi với cái tên đáng sợ là “vi khuẩn ăn thịt người” và hoàn toàn không có khả năng “ăn thịt người” như cái tên của căn bệnh.
Vi khuẩn ăn thịt người hoàn toàn không có khả năng "ăn thịt người" đáng sợ như tên gọi (Ảnh minh họa: Canva)
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người thường xuất hiện vào thời gian nào?
Thời kỳ bùng phát cao điểm của bệnh là từ tháng 5 đến tháng 10 vì khi thời tiết trở nên ẩm ướt, nhiều bùn đất thì các loại vi khuẩn thuộc nhóm này sinh sôi và phát triển mạnh, làm cho khả năng lây nhiễm cao hơn bình thường.
Triệu chứng của bệnh vi khuẩn ăn thịt người (viêm cân hoại tử):
- Vết thương trở nên đau hơn, nóng đỏ.
- Xuất hiện u nang, đốm đen, các vết sưng và chất lỏng trong da chảy ra.
- Sốt.
- Chóng mặt.
- Tiêu chảy.
- Sau 3-4 ngày: xuất hiện phát ban tím, các vết phồng rộp trên da phát ra mùi hôi, môi bị bong tróc, da trở nên đổi màu, huyết áp thấp,...
Điều trị vi khuẩn ăn thịt người như thế nào?
Sử dụng thuốc
Loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này là kháng sinh (Cefadroxil, Ciprofloxacin,...). Kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và ngăn chặn sự lây lan của nó. Thông thường, các loại kháng sinh rộng được sử dụng ở giai đoạn đầu, sau đó dựa vào kết quả xét nghiệm vi khuẩn mà các bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng và lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp.
Phẫu thuật
Việc phẫu thuật giúp loại bỏ phần mô bị tổn thương, loại bỏ các mảng mô chết, kiểm soát sự lây lan của vi khuẩn.
Cần làm gì để phòng ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người?
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương, bảo vệ vùng da bị tổn thương bằng băng dính hoặc băng gạc.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch giúp phòng ngừa bệnh vi khuẩn ăn thịt người (Ảnh minh họa: Canva)
Tránh gây tổn thương da.
Sử dụng kháng sinh đúng cách, tham khảo ý kiến của bác sĩ khi nghi ngờ bị nhiễm khuẩn, chỉ sử dụng các loại kháng sinh theo chỉ định.
Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng,...
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người là một căn bệnh không phổ biến. Tuy nhiên, việc duy trì vệ sinh cá nhân tốt, bảo vệ da khỏi các tổn thương chính là cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh này.
Tài liệu tham khảo: Vibhavadi hospital, Vinmec
Xem thêm