TẠI SAO NGƯỜI GIÀ THƯỜNG HAY QUÊN?
Chứng hay quên là hiện tượng suy giảm trí nhớ và nhận thức do quá trình thoái hóa liên tục của bộ não xảy ra sau nhiều năm. Sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3000 tế bào thần kinh bị phá hủy và không có sự tái tạo để đổi mới. Hiện tượng này xảy ra nhanh sau 60 tuổi, vậy thì lý do tại sao?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hay quên ở người già phải kể đến đó là:
Phần lớn là do tuổi tác, quá trình lão hóa làm suy giảm các chức năng trên cơ thể. Hoạt động của hệ thần kinh cũng giảm sút dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ.
Và một lý do nữa là người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc và hầu hết các bệnh đều ảnh hưởng đến hoạt động trí nhớ của người già. Những căn bệnh có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ghi nhớ của người già chính là các bệnh về mạch máu (thường xảy ra khi bị đột quỵ gây thiếu máu não) và Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ phát hiện ra rằng đột quỵ cũng như tích tụ protein thành những đám rồi (Tangles) và thể Lewy dường như có liên quan đến việc mất trí nhớ ở người già.
Tác giả nghiên cứu Robert S. Wilson - Tiến sĩ thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rush, cho biết: "Có vẻ như những tổn thương não này có tác động lớn hơn nhiều đến chức năng ghi nhớ ở tuổi già so với những gì chúng ta nghĩ trước đây. Kết quả của chúng tôi thách thức khái niệm về lão hóa trí nhớ thông thường và gợi ý về khả năng những tổn thương này đóng một vai trò trong hầu như tất cả các chứng mất trí nhớ cuối đời".
Các dấu hiệu của sa sút trí tuệ
Biểu hiện thường thấy nhất ở người già đó chính là khả năng ghi nhớ bị suy giảm, họ thường hay quên đồ đạc được cất ở đâu hoặc những việc vừa mới xảy ra. Bệnh nhân có thể quên những lời mà họ vừa nói hoặc là lặp lại câu nói ấy nhiều lần.
Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc tìm từ diễn đạt hay giải thích cho một điều gì đó, họ thường nói vòng vo mà không đi vào trọng tâm của câu chuyện.
Những biểu hiện khác của chứng sa sút trí tuệ đó chính là việc thay đổi tính cách, rối loạn cảm xúc và giảm khả năng phán đoán. Họ cũng dễ bị trầm cảm và có triệu chứng hoang tưởng. Họ dễ trở nên cáu gắt, kích động đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.
Do sự nhầm lẫn, giảm khả năng phán đoán, bệnh nhân dễ bị té ngã dẫn đến gãy xương. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể sẽ bị mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh,...
Hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hẳn bệnh hay quên và sa sút trí tuệ. Một số thuốc hiện nay như tacrine, galantamine, donepezil có thể làm chậm phát triển của bệnh đồng thời cải thiện được một số chức năng nhận thức, khả năng ghi nhớ, đặc biệt ở giai đoạn sớm của bệnh.
Ngoài ra các vitamin C, E cũng có vai trò tích cực trong việc cải thiện triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này cần phải có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa mà không nên tùy ý sử dụng vì thuốc có khá nhiều tác dụng phụ. Cần nhớ rằng vấn đề chăm sóc người bệnh có vai trò quan trọng hơn cả.
Nguồn: BV Đa Khoa Vạn Hạnh
Xem thêm