LÀN DA CON NGƯỜI THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO QUA CÁC GIAI ĐOẠN CUỘC ĐỜI
Bạn đã bao giờ để ý đến những thay đổi của làn da chưa, đặc biệt là khi da bước vào giai đoạn lão hóa? Đây là một quy luật tự nhiên mà ai cũng phải trải qua trong đời, tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát làm cho quá trình lão hóa chậm lại nếu biết cách chăm sóc da phù hợp với từng giai đoạn.
Vai trò của làn da đối với cơ thể con người
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể con người và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Các chức năng thiết yếu của da bao gồm bảo vệ, điều hòa nhiệt độ cơ thể, cảm nhận, tổng hợp, thải trừ, lưu trữ năng lượng và ngăn ngừa mất nước,...Do đó, duy trì sức khỏe cho da là rất quan trọng để đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh, tươi trẻ.
05 giai đoạn thay đổi của làn da theo thời gian
Làn da của con người thay đổi liên tục theo thời gian và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn sơ sinh (0-1 tuổi)
Do sự phát triển và trưởng thành liên tục trong những năm đầu đời, làn da của trẻ sơ sinh có nhiều điểm khác biệt so với làn da của người lớn.
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 độ dày của làn da người lớn nên rất dễ bị tổn thương, nhạy cảm và dễ bị mất nước. Hàm lượng nước có trong da ở giai đoạn này chiếm khoảng 75-80% giúp làn da mềm mại và mịn màng. Bên cạnh đó, tuyến bã nhờn cũng hoạt động mạnh dẫn đến da nhờn.
Ở giai đoạn này, nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, tránh sử dụng các loại xà phòng mạnh và thường xuyên giữ ẩm cho da.
Giai đoạn trẻ em (1-12 tuổi)
Làn da của trẻ em mỏng hơn nhiều so với người lớn, chỉ dày khoảng một nửa nên dễ bị tổn thương và kích ứng hơn. Tuy nhiên, độ pH của da ở giai đoạn này cao hơn (khoảng 5,5 đến 6,5 trong khi độ pH của người lớn là 4,5 dến 5,5) điều này giúp bảo vệ làn da của trẻ khỏi vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác.
Từ 1 đến 12 tuổi, da của trẻ có độ đàn hồi cao hơn so với người lớn nên có thể cử động dễ dàng mà không bị nhăn da nhưng lại dễ bị mất nước hơn do lớp biểu bì mỏng hơn, tuyến mồ hôi hoạt động kém hiệu quả hơn.
Giai đoạn này bạn nên tiếp tục cho trẻ sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ, thường xuyên giữ ẩm cho da đặc biệt là vào mùa đông và sử dụng kem chống nắng cho trẻ khi ra ngoài.
Giai đoạn dậy thì (12 – 18 tuổi)
Độ pH trở nên trung tính hơn: khoảng 6,0.
Da tăng sản xuất bã nhờn: ở giai đoạn dậy thì, hormon androgen tăng cao, các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ hơn, khiến da trở nên bóng nhờn, lỗ chân lông lúc này trở nên to hơn.
Tăng quá trình sừng hóa của da: tế bào da chết trên da bong ra và diễn ra nhan hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn.
Da mất độ ẩm nhanh hơn: nguyên nhân là do sự tăng sản xuất bã nhờn và sừng hóa.
Da bị xỉn màu: giảm độ ẩm và tăng sừng hóa có thể khiến da trông xỉn màu và thiếu sức sống hơn.
Chăm sóc da: sử dụng các sản phẩm dành riêng cho da nhờn và mụn trứng cá, rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, cấp ẩm cho da bằng kem dưỡng ẩm không chứa dầu, tránh chạm vào mặt vì có thể làm lây lan vi khuẩn và gây mụn, có chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
Giai đoạn trưởng thành (18 – 65 tuổi)
Làn da ở độ tuổi từ 18 đến 65 trải qua những thay đổi đáng kể do quá trình lão hóa tự nhiên bao gồm:
- Giảm sản xuất collagen va elastin: đây là 2 loại protein chịu trách nhiệm duy trì độ săn chắc và đàn hồi của da, khi chúng giảm dần theo độ tuổi, da sẽ trở nên mỏng và kém đàn hồi hơn.
- Giảm axit hyaluronic: axit này là chất giữ ẩm tự nhiên, khi quá trình sản xuất axit hyaluronic giảm, da trở nên khô hơn và dễ bị nhăn.
- Tăng sắc tố: việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường làm tăng sắc tố da, gây nên các đốm đồi mồi và sạm nám.
- Tốc độ tái tạo tế bào da bị giảm: theo độ tuổi, tốc độ tái tạo các tế bào da bị chậm lại khiến da mất vẻ tươi trẻ và rạng rỡ.
Để duy trì làn da khỏe mạnh và tươi trẻ, bạn cần thực hiện một chế độ chăm sóc da toàn diện, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với loại da của mình (da thường, da khô, da dầu hoặc da hỗn hợp), thường xuyên giữ ẩm cho da, sử dụng kem chống nắng hàng ngày và bắt đầu sử dụng các sản phẩm chống lão hóa da.
Giai đoạn lão hóa (65 tuổi trở lên)
Giảm độ đàn hồi: lượng collagen va elastin giảm mạnh, dẫn đến da chảy xệ và nếp nhăn trở nên sâu, rõ rệt hơn.
Giảm sản xuất bã nhờn: các tuyến bã nhờn hoạt động kém hiệu quả hơn, làm da khô và dễ bị kích ứng.
Tăng sắc tố: các tế bào hắc tố hoạt động không đồng đều trên da dẫn đến các đốm đồi mồi và các vùng da sẫm màu.
Khả năng phục hồi của da giảm: khả năng tự phục hồi sau khi bị thương hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây hại từ môi trường bị suy giảm nhiều.
Cách chăm sóc da ở giai đoạn từ 65 tuổi:
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm chuyên sâu.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
- Bổ sung collagen và elastin thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cho phù hợp và sử dụng các loại thực phẩm chức năng, viên uống bổ sung.
- Ngủ đủ giấc.
- Tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ da liễu: nếu gặp bất kỳ vấn đề nào về da như da khô quá mức, bị kích ứng hay thay đổi sắc tố quá nhiều, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp.
Làn da ở mỗi một giai đoạn nhất định sẽ có những thay đổi và cho dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì cũng cần được chăm sóc và bảo vệ. Việc hiểu rõ những thay đổi ở từng giai đoạn giúp chúng ta có các biện pháp chăm sóc phù hợp và hiệu quả nhất, mang lại làn da khỏe mạnh, tươi tắn.
Tài liệu tham khảo: webmd, medlineplus
Xem thêm