CƠ THỂ CỦA TUỔI 50 SẼ CÓ NHỮNG GÌ KHÁC BIỆT?
Chạm mốc 50 tuổi, liệu bạn có nhận thấy cơ thể mình có điểm gì khác biệt? Đó có thể là về mặt cảm giác, hoặc chính những thay đổi thực sự trong cơ thể mà bạn hiểu rằng chúng vốn dĩ rồi sẽ xảy ra và ai cũng phải chấp nhận sự lão hóa theo lẽ tự nhiên này. Dưới đây là tổng hợp những điều sẽ thay đổi trong cơ thể bạn, bắt đầu từ lúc bạn chạm đến “ngũ tuần”, để giúp bạn hiểu rõ về chính bản thân mình và từ đó có thể điều chỉnh lối sống cho phù hợp hơn.
về sức khỏe não bộ
Chức năng não bộ có thể suy giảm khi tuổi tác càng cao. Tuy nhiên, bạn không nên bận tâm về điều đó quá nhiều. Một số chuyên gia cho rằng, việc suy nghĩ và lo lắng rằng não bộ của mình sẽ giảm sút khi già đi có thể góp phần khiến điều đó trở thành sự thật. Quan trọng là bạn phải duy trì một chế độ ăn phù hợp: giàu trái cây, rau củ quả, cùng các loại hạt và những chất béo tốt cho sức khỏe như dầu olive, dầu hạt cải. Cách này sẽ giúp bạn bảo tồn được sức khỏe của não bộ và trí nhớ.
về sức khỏe TINH THẦN
Gần như 95% người trên 50 tuổi hoặc lớn hơn bảo rằng họ hài lòng hoặc rất hài lòng với cuộc sống của mình. Dù vậy ở phụ nữ, sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh có thể gây ra những biến đổi về tâm trạng. Cả bệnh tật và lạm dụng rượu cũng có thể khiến bạn bị trầm cảm nhiều hơn.
(Ảnh minh họa: Unsplash)
Có một cách rất đơn giản để giúp bạn thúc đẩy được trạng thái tinh thần của mình: ngồi ít lại, đi lại nhiều hơn. Bởi lẽ nguy cơ bị mắc các tình trạng về mặt tinh thần sẽ cao hơn khi bạn ngồi quá 7 tiếng mỗi ngày và không vận động.
về hệ miễn dịch
Vào giai đoạn này, hệ miễn dịch có thể sẽ hoạt động với tốc độ chậm hơn để chống lại virus hay các tác nhân đe dọa từ bên ngoài. Nhiều lúc hệ miễn dịch còn tự tấn công chính cơ thể của bạn nữa, dẫn đến nhiều tình trạng gây ảnh hưởng sức khỏe. Cộng thêm, các “chiến binh” giúp bảo vệ cơ thể bạn cũng sẽ được tạo ra ít hơn. Bởi tất cả những điều này, bạn sẽ dễ bị cảm lạnh, viêm phổi hay uốn ván nhiều hơn khi qua độ tuổi 50. Do đó hãy chắc chắn rằng bạn tiêm vaccin đầy đủ, đúng thời điểm được yêu cầu và đi khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng phát hiện tình trạng bệnh.
về thính giác
Có đến 40% người trên 50 tuổi gặp vấn đề về giảm thính lực. Vì độ tuổi tăng lên, gen có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, và ngoài ra một số vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, các vấn đề về tim, đái tháo đường cũng có thể gây ảnh hưởng đến thính giác của bạn. Do đó, nếu bạn lo lắng, hãy tìm đến bác sĩ để được kiểm tra. Nhiều người vì không còn nghe thấy rõ sẽ dễ tách biệt bản thân ra khỏi người thân và dẫn đến buồn bã, trầm cảm.
(Ảnh minh họa: Unsplash)
về xương
Khi bạn còn trẻ, cơ thể sẽ loại bỏ các tế bào xương cũ, thay bằng những cái mới khỏe mạnh. Đến khi bạn 50 tuổi, sẽ có quá nhiều tế bào xương cũ để có thể loại bỏ và thay mới. Chính vì thế, hệ xương của bạn sẽ trở nên yếu hơn, dẫn đến tình trạng loãng xương và chỉ cần một cú trượt ngã thôi, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng gãy xương rất nghiêm trọng.
Để có thể bảo vệ được khung xương của mình, hãy bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ qua các loại thực phẩm giàu hai chất này. Các bài tập vận động chịu trọng lượng hay sức bền như đi bộ đường dài hay nâng tạ cũng có thể giúp xương bạn chắc khỏe.
về cơ bắp
Khi bạn qua 50, bạn sẽ bắt đầu bị mất cơ với tốc độ nhanh hơn. Thể lực cũng sẽ suy yếu theo và cách tốt nhất để có thể ngăn chặn được điều này là tập nâng tạ hoặc các bài tập rèn luyện thể lực như lunge (bài tập chùn chân) hay squat (bài tập đứng lên ngồi xuống) từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Không chỉ giúp bạn tạo nên các khối lượng cơ bắp, những bài tập này còn giúp cải thiện được thăng bằng – một điều rất có ích đối với người lớn tuổi.
về khớp
Các mô và sụn khớp sẽ ngày càng mỏng đi theo thời gian và bạn sẽ cảm nhận được điều này khi đến độ tuổi 50 (với đàn ông có thể sớm hơn). Để ngăn ngừa đau khớp và viêm khớp, hãy để ý tư thế của mình. Nếu bạn ngồi ở tư thế khiến trọng lượng chùng xuống gây áp lực lên các khớp, điều này sẽ khiến tình trạng tồi tệ lên. Tăng cân hay béo phì cũng sẽ góp phần gây ra điều đó, do đó hãy kiểm soát cân nặng của mình.
Ngoài ra bạn cũng nên uống nhiều nước, bởi khi thiếu nước, cơ thể sẽ lấy dịch từ phần khớp của bạn.
(Ảnh minh họa: Unsplash)
về tim
Một khi đến tuổi 50, nguy cơ bị bệnh tim sẽ ngày càng cao lên. Tập thể dục có thể giúp tim mạch của bạn khỏe mạnh, vì vậy hãy đặt mục tiêu là vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy cố kiểm soát cân nặng và huyết áp của bạn nữa và nếu bạn hút thuốc, đây chính là thời điểm tốt để bạn hạn chế lại và từ bỏ dần. Bởi lẽ thuốc lá là một nguyên nhân rất phổ biến gây nên các bệnh về tim.
về tóc
Khi đến ngũ tuần, tóc sẽ bắt đầu mỏng lại và rụng dần, đặc biệt đối với đàn ông. Màu tóc cũng sẽ bắt đầu chuyển bạc tùy thuộc vào chủng tộc và di truyền của bạn. Thông thường bạn sẽ có thể cảm thấy tự ti khi thấy mái tóc bị bạc trắng dần, thế nên nhiều người tìm đến phương pháp nhuộm đen lại. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các thuốc giúp mọc tóc lại hoặc phẫu thuật cấy tóc.
(Ảnh minh họa: Unsplash)
về da
Mọi tác hại của ánh nắng mặt trời mà bạn từng vô tư không bận tâm thời trẻ giờ sẽ bắt đầu biểu lộ ra ngoài. Các đốm đồi mồi có thể xuất hiện và bạn cần phải theo dõi các dấu hiệu của ung thư da. Nếu bạn đã không bảo vệ làn da của mình khi còn trẻ, thì giờ vẫn chưa muộn để bắt đầu. Hãy thoa kem chống nắng ít nhất 30 SPF mỗi ngày và kiểm tra ung thư da định kỳ mỗi năm. Da của bạn cũng có thể sẽ cảm thấy khô hơn và dễ bị kích ứng. Kem dưỡng ẩm không mùi (không phải kem dưỡng da) có thể sẽ hữu ích.
về thị lực
Nếu bạn phải nheo mắt khi xem điện thoại, thì đó là do các thấu kính bên trong mắt của bạn đã trở nên cứng hơn theo tuổi tác. Chúng không còn có thể nhanh chóng chuyển từ tiêu điểm ở xa sang vị trí cận cảnh được nữa. Mắt kính có thể hữu ích trong trường hợp này hoặc bạn có thể sẽ phải cần đến thuốc. Càng lớn tuổi, thị lực của bạn sẽ càng thay đổi nên hãy nhớ đi khám mắt thường xuyên.
(Ảnh minh họa: Unsplash)
về thời kỳ mãn kinh
Độ tuổi trung bình mà phụ nữ mãn kinh là 51 tuổi. Khi nội tiết tố của bạn giảm xuống, bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu như da khô, dễ bốc hỏa trong người và hay thay đổi tâm trạng. Vì niêm mạc âm đạo mỏng và khô hơn, nên việc quan hệ tình dục cũng có thể gây đau rát. Hãy tìm đến bác sĩ nếu bạn gặp trường hợp này. Nhiều phương pháp điều trị từ thuốc chống trầm cảm đến liệu pháp hormone có thể sẽ có ích.
kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nguy cơ bạn gặp các vấn đề sức khỏe sẽ tăng lên khi vào độ tuổi trung niên, tuy nhiên một số xét nghiệm nhất định sẽ có thể giúp bạn chẩn đoán sớm được chúng. Điều này bao gồm cả nội soi để kiểm tra ung thư đại trực tràng. Phụ nữ cần chụp X-quang tuyến vú hằng năm, cùng với xét nghiệm tế bào cổ tử cung 3 năm 1 lần, còn nam giới thì nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tinh hoàn 3 năm 1 lần.
Nguồn: WebMD.
Xem thêm