CẬP NHẬT: TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH HIỆN NAY TRÊN CẢ NƯỚC
Tính từ 16h ngày 16/12 đến 16h ngày 17/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 15.215 ca ghi nhận trong nước (giảm 52 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.836 ca trong cộng đồng).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.508.473 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.297 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.503.003 ca, trong đó có 1.092.701 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (492.650), Bình Dương (288.763), Đồng Nai (94.192), Tây Ninh (62.132), Long An (39.537).
Sáng 18/12: Hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 nặng đang thở máy, ECMO; Y tế các tỉnh phải chủ động ứng phó với siêu bão Rai trong bối cảnh dịch bệnh.
Hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 nặng đang thở máy, ECMO (Nguồn ảnh: Sức khỏe đời sống)
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.095.518 ca
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.912 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.504 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.283 ca; Thở máy không xâm lấn: 140 ca; Thở máy xâm lấn: 966 ca; ECMO: 19 ca
- Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 243 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.103 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 28.499.881 mẫu cho 72.059.048 lượt người.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 136.861.720 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.561.338 liều, tiêm mũi 2 là 60.171.020 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.129.362 liều.
Bộ Y tế yêu cầu chủ động ứng phó với bão Rai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Rai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực trên tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phỏng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc sẵn sàng ứng phó với bão bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão RAI, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; Rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương trong điều kiện vừa phải thực hiện phòng chống dịch COVID-19 vừa đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn.
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưra bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập ủng: bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai.
Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cần Thơ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quản lý, điều trị F0 tại nhà
(Nguồn ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Cần Thơ)
UBND TP Cần Thơ ban hành công văn điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong công tác quản lý F0, F1 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tại văn bản ban hành ngày 17/12, nêu rõ sau khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 do cơ sở y tế thực hiện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn xử trí người có kết quả dương tính giống như người mắc COVID-19 xác định, không cần chờ kết quả RT-PCR để khẳng định.
Khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tiến hành thẩm định điều kiện cách ly tại nhà. Trường hợp đủ điều kiện về sức khỏe và cơ sở vật chất sẽ cách ly tại nhà, Trạm Y tế hoàn tất hồ sơ thẩm định theo quy định trình UBND xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly, điều trị tại nhà. Trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất cách tại nhà hoặc trường hợp F0 cư trú tỉnh, thành khác, Trạm Y tế làm hồ sơ chuyển vào cơ sở thu dung điều trị người mắc COVID-19.
Để thực hiện thủ tục kết thúc cách ly điều trị tại nhà, cơ quan y tế lấy mẫu test nhanh vào ngày thứ 14. Trường hợp F0 có kết quả test nhanh âm tính và đã hết các triệu chứng lâm sàng từ 3 ngày trước đó trở lên sẽ được kết thúc cách ly. Trường hợp F0 có kết quả test nhanh dương tính, tiếp tục cách ly tại nhà đủ 21 ngày và chỉ kết thúc cách ly khi đảm bảo đã hết các triệu chứng lâm sàng từ 3 ngày trước đó trở lên và không cần lấy mẫu xét nghiệm lại.
Các trường hợp F1 cách ly tại nhà chỉ áp dụng lấy mẫu test nhanh vào ngày đầu và ngày thứ 14. Trường hợp có kết quả test nhanh dương tính, Trạm Y tế thực hiện quy trình áp dụng cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở thu dung điều trị theo quy định.
Trường hợp người mắc COVID-19 trong tình trạng cấp cứu, chuyển viện, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải tiếp nhận xử trí, điều trị không cần chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR. Sau khi tiếp nhận, cơ sở y tế có thể lấy mẫu RT-PCR để hoàn tất hồ sơ điều trị.
UBND TP Cần Thơ yêu cầu Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về việc cung cấp Quyết định hết cách ly điều trị và Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly điều trị tại nhà kịp thời cho người đang thực hiện cách ly.
Bến Tre cao nhất miền Tây với trên 1 nghìn ca COVID-19 cộng đồng
Bến Tre ghi nhận thêm 1.176 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.168 ca cộng đồng. ngày 17/12. Trong ngày tử vong 7 ca, số ca tử vong cộng dồn 108.
Cà Mau có 1.071 ca mắc Covid-19, trong đó có đến 837 ca cộng đồng. Địa phương có nhiều ca mắc mới trong ngày nhất là TP Cà Mau với 513 ca. Trong ngày, Cà Mau ghi nhận 6 trường hợp tử vong, ca tử vong cộng dồn 88.
Đồng Tháp ghi nhận 804 người, trong đó có 265 ca cộng đồng. Trong ngày thêm 11 ca tử vong nâng số ca tử vong lên 405.
Cần Thơ có thêm 715 ca COVID-19, trong đó quận Ninh Kiều 244 ca, Ô Môn 155 ca, Cái Răng 94 ca, Bình Thủy: 60 ca, Phong Ðiền: 44 ca, Vĩnh Thạnh: 34 ca, Thốt Nốt: 32 ca, Thới Lai: 17 ca, Cờ Ðỏ: 8 ca và ngoài thành phố về 27 ca.
Vĩnh Long ghi nhận 598 ca mắc COVID-19, trong đó 466 ca cộng đồng; trong ngày thêm 9 ca tử vong nâng số ca tử vong lên 191.
Bạc Liêu có 569 ca có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó 393 ca cộng đồng. Số ca tử vong trong ngày 5, nâng số tử vong lên 190 trường hợp.
Sóc Trăng ghi nhận 448 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca trong toàn tỉnh lên 27.001 ca. Đến nay, tỉnh này đã điều trị khỏi 20.870 ca. Trong ngày có 11 ca tử vong, cộng dồn có 211 ca.
Trà Vinh ghi nhận 484 ca mắc COVID-19, trong đó 450 ca cộng đồng. Tổng ca mắc cộng dồn 14.193 đã điều trị khỏi 4.712 ca.
Kiên Giang phát hiện 398 F0, trong đó 215 ca cộng đồng. Tổng số ca mắc cộng dồn 26.205, ca điều trị khỏi 23.012.
An Giang ghi nhận 374 trường hợp mắc COIVD-19, trong đó 239 ca cộng đồng.
Tiền Giang có 332 ca F0, trong đó 52 ca cộng đồng, 280 ca trong khu cách ly. Trong ngày có 12 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 739.
PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH
Phòng bệnh hơn chữa bệnh (Ảnh minh họa: Freepik)
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca nhiễm mới không ngừng “leo thang” cùng sự xuất hiện của các biến thể của virus gây khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị. Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch COVID-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Việc tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, bằng thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 là điều vô cùng quan trọng và cần thiết để bảo vệ bản thân cùng gia đình bạn.
Nguồn: Bản tin COVID-19 - Bộ Y tế Việt Nam, Sở Y tế Cần Thơ.
Xem thêm