CẦN LÀM GÌ PHÒNG NGỪA BỆNH GOUT?
Gout là một căn bệnh liên quan đến chứng tăng axit uric máu do rối loạn trong chuyển hóa purin hoặc giảm bài tiết axit uric. Gout khi không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây biến dạng khớp, suy thận, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch và bệnh tim mạch vành. Chính vì thế mà căn bệnh này đang được quan tâm nhiều, số bệnh nhân gout cũng tăng vọt trong những năm trở lại đây. Vậy có cách nào để phòng ngừa gout cũng như chứng tăng axit uric máu hay không?
Để phòng ngừa bệnh gout, hãy ghi nhớ những điều sau:
Hạn chế thực phẩm có nhiều purin
Nguyên nhân chính của bệnh gout là do ăn những loại thực phẩm giàu purin. Purin là một nhóm chất có trong tất cả các mô của cơ thể và trong nhiều loại thực phẩm chẳng hạn như thận, gan, mực, hải sản, thịt đỏ và rượu. Cơ thể của chúng ta liên tục xử lý purin, trong quá trình đó, axit uric được hình thành. Nếu cơ thể không thể loại bỏ axit uric hiệu quả, nó sẽ tích tụ trong các khớp, gây ra viêm.
Bên cạnh đó, bia rượu cũng có thể dẫn đến bệnh gout, trong đó, bia là nhanh nhất vì bia được thêm hương vị bằng các thành phần có hàm lượng purin cao chẳng hạn như men và lúa mạch -- một trong những nguyên liệu làm bia. Tỷ lệ phần trăm làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout của bia rượu có thể được xem là tỷ lệ thuận với nồng độ cồn.Trong bia có chứa khí carbonic, chúng được hấp thu nhanh chóng vào cơ thể và chuyển hóa thành axit carbonic, làm giảm pH, cản trở quá trình bài tiết axit uric, gây ra bệnh gout.
Do đó, những thực phẩm có nhiều purin như nội tạng động vật, hải sản, thịt đỏ, bia rượu,...cần được kiểm soát trong chế độ ăn hàng ngày.
Uống nhiều nước mỗi ngày
Uống nhiều nước giúp thúc đẩy quá trình bài tiết axit uric, làm giảm axit uric máu.
Lượng nước cần bổ sung cho cơ thể mỗi ngày được khuyến nghị là từ 2000 – 3000 ml, những người vận động nhiều có thể tăng lượng nước lên một lượng hợp lý vì quá trình tiết mồ hôi nhiều khi vận động.
Uống nhiều nước giúp thúc đẩy quá trình bài tiết axit uric (Ảnh minh họa: Pexels)
Kiểm soát lượng thịt và hải sản tiêu thụ hàng ngày
Những loại thực phẩm có hàm lượng purin dưới 50% như thịt nạc heo, ức gà, trứng, sữa ít béo,...chỉ nên chiếm 10% tổng giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn.
Lượng thủy sản tiêu thụ hàng ngày được khuyến cáo trong khoảng 40 – 75 gram và lượng thịt gia súc, gia cầm từ 40 đến 75 gram. Nhìn chung, tổng lượng thịt tiêu thụ bạn nên sử dụng mỗi ngày là từ 80 – 150 gram. Đối với thịt ít mỡ như tôm, cua,...thì hàm lượng có thể tăng lên một chút khoảng 85 gram.
Hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường
Bạn nên tiêu thụ ít thực phẩm nhiều đường, đặc biệt là đường fructose cao – một trong những tác nhân thúc đẩy quá trình sản xuất axit uric, gây nên gout.
Lượng đường bổ sung hàng ngày cho mỗi người không nên vượt quá 50 gram, tốt nhất là 25 gram đường mỗi ngày.
Ăn nhiều thực phẩm tự nhiên và hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn vì chúng có hàm lượng đường fructose cao.
Giảm cân
Tình trạng thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh gout, giảm cân giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh vì điều này giúp làm giảm áp lực lên khớp rất nhiều.
Tập thể dục thường xuyên
Việc tập thể dục không chỉ giúp bạn kiểm soát cân nặng của mình mà còn giúp tăng cường khả năng trao đổi chất trong cơ thể, thúc đẩy quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể, tránh nguy cơ mắc bệnh gout.
Bạn nên tạo thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và duy trì ít nhất 3-4 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, trước khi chọn cho mình bất kỳ một chế độ tập luyện nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước để đảm bảo an toàn.
Tập thể dục thường xuyên giúp thúc đẩy quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể (Ảnh minh họa: Pexels)
Ổn định mức đường huyết và huyết áp
Bạn nên kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác như tiểu đường, các bệnh liên quan đến tim mạch và huyết áp cao để có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Tránh căng thẳng và stress quá mức
Căng thẳng và stress có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Do đó, bạn nên tìm các phương pháp giúp giảm căng thẳng và giảm stress như yoga, thiền,...giảm nguy cơ dẫn đến gout.
Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc và không thức khuya.
Làm thêm giờ, thức khuya là những điều khó tránh khỏi của nhiều bạn trẻ và áp lực công việc quá mức là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh gout ở người lao động chân tay.
Làm việc và nghỉ ngơi điều độ có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh gout (Ảnh minh họa: Pexels)
Gout là căn bệnh một khi đã xảy ra thì khó có thể chữa khỏi, vì thế, bạn cần phải chú ý phòng ngừa, tốt nhất là thường xuyên kiểm tra nồng độ axit uric máu (3 tháng/lần). Khi axit uric máu vượt quá mức bình thường, bạn cần phải tuân thủ điều trị dứt điểm, chỉ cần nồng độ axit uric trong máu được kiểm soát tốt thì bệnh gout sẽ không xảy ra.
Tài liệu tham khảo: vinmec, baidu
Xem thêm