BỆNH VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI Ở TRẺ EM
Vi khuẩn ăn thịt người là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp ở da và các mô, nếu không được điều trị nhanh chóng, người bệnh có thể tử vong bởi căn bệnh này. Mặc dù không phải là một căn bệnh phổ biến nhưng nó gây cảm giác đáng sợ cho chúng ta mỗi khi nhắc đến. Gần đây nhất, vào ngày 19/09/2023, một bệnh nhi 15 tuổi nhiễm bệnh vi khuẩn ăn thịt người đã tử vong dù được điều trị tích cực. Vậy trẻ em có phải là đối tượng mà căn bệnh dễ xuất hiện? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu ngay dưới bài viết này nhé.
Tác nhân gây bệnh vi khuẩn ăn thịt người
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người do nhiều loại vi khuẩn gây ra bao gồm Streptococcus nhóm A, Vibrio vulnificus, Burkholderia pseudomallei,...Trong đó liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus nhóm A) là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh vi khuẩn ăn thịt người. Ở nước ta, các trường hợp bệnh gần đây phần lớn là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Đây chính là hai loại vi khuẩn ăn thịt người thường gặp ở người trẻ và người khỏe mạnh.
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở trẻ nguy hiểm hay không?
Được gọi với cái tên đáng sợ - vi khuẩn ăn thịt người, đây là một căn bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến trẻ em. Bệnh này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm gan hoại tử, nhiễm trùng máu,...
Bệnh nhi mắc phải căn bệnh này nếu có tình trạng nhiễm trùng máu thì tỷ lệ tử vong lên đến 30-40%. Theo Tiến sĩ Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người nằm ở mức dưới 10%. Chủ yếu là các trường hợp nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng máu kết hợp với tình trạng viêm màng não.
Theo báo cáo ở các vùng có bệnh trên thế giới thì tỷ lệ trẻ em mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người chiếm 5-15% trong tổng số ca bệnh được phát hiện.
Ngày 04/06/2022, một bé gái 6 tuổi ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk được chẩn đoán mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người, đây cũng là người đầu tiên tại Đắk Lắk được ghi nhận mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người.
Ngày 11/09/2023, một bệnh nhi nữ sinh năm 2008 tại Thanh Hóa nhập viên trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Đến ngày 19/09/2023, bệnh nhi đã tử vong dù đã được điều trị tích cực.
Mặc dù không phải là căn bệnh phổ biến ở trẻ em nhưng những biến chứng mà nó gây ra nếu không được điều trị kịp thời là vô cùng lớn. Do đó, dù ở bất kỳ độ tuổi nào cũng cần cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
Nước ta đã từng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi tử vong do căn bệnh vi khuẩn ăn thịt người, đây là một căn bệnh nguy hiểm dù ở bất kỳ độ tuổi nào (Ảnh minh họa: Canva)
Cách nhận biết bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở trẻ
Bệnh vi khuẩn ăn thịt người có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và khó chẩn đoán. Một số triệu chứng thường gặp có thể kể đến như là:
- Sưng, đỏ và đau ở vùng bụng: thông thường, biểu hiện của căn bệnh này ở trẻ em là sưng, đau và đỏ ở vùng bụng, thường ở phía trên hoặc xung quanh vùng rốn.
- Đau hoặc sưng ở một vùng nhất định như tuyến mang tai (khu vực ở bên dưới và phía trước tai).
- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu và không chịu nằm yên.
- Chán ăn: trẻ từ chối ăn hoặc uống do đau và khó chịu ở vùng bụng.
- Sụt cân, đau đầu, co giật ở ngực, cơ, khớp,...
- Khát nước nhiều hơn bình thường.
- Sốt: trẻ em mắc bệnh vi khuẩn ăn thịt người có thể sốt cao, đặc biệt là trong giai đoạn nhiễm trùng nặng.
Sau 3 ngày, các triệu chứng có thể kèm theo:
- Nhiễm trùng da: khi vi khuẩn ăn thịt người tấn công vào cơ thể người bệnh, chúng có thể lan từ vùng bụng tới da, gây nên các vết loét, áp xe, sưng và ửng đỏ ở da hoặc chuyển sang màu tím. Bên cạnh đó còn có thể xuất hiện mụn nước có mùi hôi khi vỡ ra.
- Buồn nôn và nôn: bệnh nhi có thể buồn nôn hoặc nôn do tình trạng nhiễm trùng.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải căn bệnh này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải căn bệnh này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời (Ảnh minh họa: Canva)
Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh vi khuẩn ăn thịt người ở trẻ?
Nếu trẻ bị thương, cần nhanh chóng xử lý vết thương cho trẻ, sau khi máu đã ngừng chảy thì rửa vết thương với nước, sau đó thấm khô bằng khăn và dùng băng vô trùng để băng kín lại.
Cha mẹ cần đảm bảo rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ hay chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng: cha mẹ nên cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân đối, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Vệ sinh môi trường: duy trì một môi trường sạch sẽ, thông thoáng và vệ sinh định kỳ các vật dụng dùng chung.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với bùn đất, nước bẩn, bơi ở gần nơi bị ô nhiễm,...Đặc biệt là khi trẻ bị thương (vết đứt, trầy xước da,...) tránh cho trẻ sử dụng bể bơi, bồn tắm chung.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ.
Cha mẹ cần vệ sinh môi trường xung quanh thật sạch sẽ để phòng tránh bệnh vi khuẩn ăn thịt người cho trẻ (Ảnh minh họa: Canva)
Tài liệu tham khảo: webmd, vnexpress
Xem thêm