BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ KHÔNG DÙNG THUỐC CÓ TỰ HẾT KHÔNG?
Bệnh đau mắt đỏ không dùng thuốc có tự hết không? Đây sẽ là thắc mắc của nhiều người đang gặp phải tình trạng đau mắt đỏ tự hỏi và tìm hiểu trên các trang thông tin, mạng xã hội hoặc hỏi trực tiếp những người thân xung quanh. Vậy bạn đã biết câu trả lời chính xác thì đau mắt đỏ không dùng thuốc có tự hết không chưa?
1. Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi bệnh?
Đau mắt đỏ có thể bị gây ra bởi virus, vi khuẩn hoặc do phản ứng dị ứng.
Bệnh đau mắt đỏ do virus Adeno gây ra sẽ diễn biến theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn cấp: Bệnh nhân thấy mắt đỏ lên, có nhiều gỉ mắt và cộm vướng nhiều dẫn đến cảm thấy khó chịu nhiều và sau 2 tuần tình trạng bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn.
- Giai đoạn mạn: Bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ do biến chứng trong giác mạc. Trường hợp nhẹ có thể viêm giác mạc biểu mô, nặng hơn thì viêm giác mạc nhu mô. Lúc này sẽ mất thêm thời gian để điều trị.
Nếu người bệnh đau mắt đỏ do virus Adeno gây ra thì cần ít nhất ngoài hai tuần để có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh.
2. Đau mắt đỏ không dùng thuốc có tự hết không?
Liệu bệnh đau mắt đỏ có thể tự hết nếu như bệnh nhân không dùng thuốc (thuốc uống kê toa và thuốc nhỏ mắt) hay không có thể sẽ là một câu hỏi của nhiều bệnh nhân gặp phải bệnh đau mắt đỏ.
Theo Trung tâm Y tế Quận 10, thực chất, ngay cả khi không điều trị, hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ, đặc biệt do virus, sẽ khỏi trong vòng 7 ngày. Việc lạm dụng các thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn liên quan quan đến bệnh về mắt, thậm chí suy giảm thị lực.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù bệnh đau mắt đỏ ít khi để lại biến chứng vì có thể được điều trị nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp đối với một số tình trạng bệnh có dẫn đến nghiêm trọng và để lại các biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực của đôi mắt về sau này.
3. Bệnh nhân cần làm gì khi phát hiện bản thân bị bệnh đau mắt đỏ?
Viêm kết mạc là một tình trạng bệnh dường như ít để lại biến chứng cho thị lực nhưng trong quá trình phát bệnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày, kể cả chất lượng tinh thần của người bệnh.
Mặc dù bệnh sẽ được giải quyết sau thời gian điều trị nhất định, tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh kéo dài sẽ dẫn đến một số biến chứng về thị lực sau này cho người bệnh. Và bệnh đau mắt đỏ sẽ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ và bất kỳ ai, mặc dù đã từng điều trị khỏi tình trạng đau mắt đỏ nhưng vẫn có thể tái nhiễm lại.
Do đó, khi người bệnh đau mắt đỏ nghi ngờ và bản thân đang có những dấu hiệu của đau mắt đỏ cần đến các cơ sở y tế hoặc đến nơi có chuyên khoa về mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Và khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ, người bệnh không nên tự điều trị khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ hay nhân viên y tế để tránh những biến chứng về sau.
Khi đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra đau mắt đỏ ở người bệnh là nguyên nhân do đâu, từ đó sẽ có toa thuốc điều trị phù hợp. Giúp bệnh có thể được kiểm soát và điều trị đúng, không gây biến chứng về sau ảnh hưởng đến thị lực của đôi mắt.
Theo ThS.BS Phạm Ngọc Hạnh – Khoa mắt – Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai khuyến cáo rằng: “Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng những biện pháp dân gian như dùng lá trầu không, lá dâu tằm hơ nóng đắp lên mặt hoặc một số bà mẹ dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh… Những biện pháp này sẽ làm bệnh nặng và có những biến chứng vô cùng nguy hiểm làm cho mắt dễ bội nhiễm gây viêm loét giác mạc do nấm, đây là bệnh rất nặng phải điều trị thời gian dài rất tốn kém, gây giảm thị lực rất nhiều”.
Đồng thời, người bệnh đau mắt đỏ có thể thực hiện các việc đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để giúp bệnh có thể không phát triển thêm mà được điều trị đúng cách.
Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người thân hoặc người xung quanh để hạn chế truyền nhiễm bệnh. Bởi bệnh đau mắt đỏ có thể lây nhiễm sang người khác thông qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, khi bắt tay,.. Để an toàn, bệnh nhân có thể đeo kính râm và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người không mắc bệnh.
Hãy bảo vệ đôi mắt của chính bạn và những người thân xung quanh khi biết được bản thân có đang gặp phải tình trạng đau mắt đỏ hay không. Khi tình trạng bệnh không có dấu hiệu giảm bớt, ngừng ngay việc không dùng thuốc để bệnh tự hết, hãy đến cơ sở y tế hoặc nơi có chuyên gia mắt để được khám và kiểm tra tình trạng bệnh, nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp, không ảnh hưởng đến thị lực về sau.
Nguồn thông tin tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Y tế Quận 10
Xem thêm