BỆNH CAO HUYẾT ÁP ẢNH HƯỞNG ĐẾN MẮT NHƯ THẾ NÀO?
Cùng với việc gây ra các vấn đề về tim và thận, huyết áp cao khi không được điều trị cũng sẽ ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh và dẫn đến bệnh về mắt (thường được gọi là bệnh võng mạc tăng huyết áp), trường hợp nặng có thể gây mù lòa. Vậy căn bệnh này là gì, triệu chứng như thế nào, phương pháp điều trị và phòng ngừa ra sao? Hãy cùng Phúc Tường tìm hiểu nhé!
Bệnh võng mạc tăng huyết áp là gì?
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là tình trạng huyết áp cao dẫn đến phù võng mạc, xuất huyết, rò rỉ huyết tương và các tổn thương khác, ảnh hưởng đến thị lực, trường hợp nặng có thể dẫn đến mù lòa.
Cao huyết áp ảnh hưởng như thế nào đến mắt?
Huyết áp cao có thể làm hỏng võng mạc. Khi huyết áp cao, mạch máu sẽ bị tổn thương do thành mạch máu nhỏ ở võng mạc dày lên, làm giảm lượng máu chảy qua chúng. Do đó, lượng máu cung cấp cho võng mạc bị giảm, gây ra tổn thương cho các mảnh của võng mạc.
Khi bệnh võng mạc tăng huyết áp tiến triển, máu có thể rò rỉ vào võng mạc, gây mất thị lực dần, đặc biệt, nếu ảnh hưởng đến điểm vàng – trung tâm của võng mạc thì có thể làm hỏng mạch máu của võng mạc nếu không được điều trị trong vài năm.
Khi huyết áp trở nên cao đến mức nguy hiểm (tăng huyết áp khẩn cấp), các tĩnh mạch ở võng mạc có thể giãn ra và xoắn lại, đồng thời đĩa thị giác có thể sưng lên.
Triệu chứng của bệnh võng mạc tăng huyết áp là gì?
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là một quá trình diễn biến chậm, có triệu chứng ban đầu không rõ ràng và chỉ được phát hiện khi khám mắt định kỳ hay khi thị lực trở nên giảm sút.
Chẩn đoán bệnh võng mạc tăng huyết áp
Mắt là cơ quan duy nhất mà bác sĩ có thể quan sát thường xuyên và trực tiếp quan sát được các động mạch và tĩnh mạch sâu bằng kính soi đáy mắt. Mức độ tổn thương mạch máu ở võng mạc có xu hướng tương quan với mức độ tổn thương mạch máu ở các cơ quan khác bị ảnh hưởng bởi cao huyết áp (như não, thận và tim). Do đó, bác sĩ có thể căn cứ vào hình dạng của các mạch máu ở võng mạc để biết được các mạch máu khác trong cơ thể bị ảnh hưởng như thế nào do huyết áp cao.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra đáy mắt, mức độ hẹp của các tiểu động mạch võng mạc và thay đổi đáy mắt thường có thể chia thành 4 cấp độ:
- Cấp độ đầu tiên chủ yếu là co mạch và thu hẹp: trong giai đoạn đầu của cao huyết áp, đường kính của động mạch ở võng mạc trở nên mỏng hơn và hẹp nhẹ đến vừa. Điều này chủ yếu xảy ra ở chỗ nối giữa động mạch và tĩnh mạch võng mạc.
- Cấp độ thứ 2 là xơ cứng động mạch: hẹp hoặc xơ cứng động mạch trung bình đến nặng xảy ra ở giao điểm của động mạch và tĩnh mạch võng mạc, cùng với đó là xuất hiện vết lõm ở giao điểm của động mạch và tĩnh mạch.
- Cấp độ thứ 3 là xuất tiết: bao gồm xuất tiết bông (các chấm nhỏ như bông, màu trắng ỏ bề mặt võng mạc) và xuất tiết vàng (sự tích tụ của lipid võng mạc do rò rỉ mạch máu).
- Cấp độ thứ 4: các tiểu động mạch của võng mạc gần như dạng sợi hoặc vô hình.
Điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp như thế nào?
Mặc dù cao huyết áp có hại cho mắt, tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng. Đối với bệnh nhân cao huyết áp, chỉ cần khống chế được huyết áp của bạn trong một phạm vi nhất định thì mắt có thể trở lại hình dạng bạn đầu, xuất huyết võng mạc, phù nề, xuất tiết bông có thể biến mất trong vài tuần và xuất tiết vàng cũng sẽ biến mất sau một vài tháng. Tuy nhiên, một lưu ý là nếu huyết áp tăng cao trở lại sẽ dẫn đến tổn thương đáy mắt tái phát, tình trạng bện trở nên nặng thêm.
Hạ huyết áp là biện pháp cơ bản để điều trị các tổn thương đáy mắt. Nếu tổn thương đáy mắt không được điều trị kịp thời thì không chỉ có nguy cơ mù lòa mà còn tổn thương đến tim và thận thứ phát.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp có thể được ngăn ngừa hay không?
Để ngăn ngừa căn bệnh này, bạn cần kiểm soát huyết áp của mình bằng cách đạt được và duy trì cân nặng tối ưu, tuân thủ các chế độ ăn kiêng do bác sĩ khuyến nghị, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc điều trị cao huyết áp theo chỉ định. Bên cạnh đó, bạn cần đi khám bác sĩ thường xuyên để được chăm sóc và theo dõi.
Tài liệu tham khảo: vinmec.com, webmd.com
Xem thêm