AI NÊN TIÊM VACCINE HPV? TẤT TẦN TẬT NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ HPV
Vaccine HPV có tác dụng phòng bệnh ung thư cổ tử cung. Tiêm phòng ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm hàng đầu ở phụ nữ. Ung thư cổ tử cung đang là bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ trên toàn thế giới và xếp thứ 4 về các bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn cầu. Mặc dù đây là loại vaccine đã sử dụng trong nhiều năm, nhưng không phải ai cũng biết loại vaccine này hoạt động như thế nào và có an toàn không.
1. Virus HPV là gì?
HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus – một loại virus gây u nhú ở người. Hiện có hơn 100 type HPV khác nhau, nhưng chỉ có một số ít virus có khả năng gây ung thư cao. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng ngược lại, có hơn 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra.
HPV nhiễm ở những tế bào biểu mô da và niêm mạc, có liên quan đến bất thường cổ tử cung (gồm tổn thương tiền ung thư, ung thư), mụn cóc và bệnh đa u nhú đường hô hấp tái diễn. HPV cũng có liên quan đến những ung thư khác như ung thư tế bào gai của hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, ung thư vùng đầu và cổ, HPV là một loại virus có thể lây truyền qua quan hệ tình dục. Trong khi giao hợp hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Ngoài ra, virus này còn có thể lây truyền không qua đường tình dục như dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót... HPV cũng có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
Có hơn 95% trường hợp ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra (Nguồn ảnh: sưu tầm trên Internet)
Có hơn 100 tuýp Papillomavirus (HPV) được phát hiện ở người. Khoảng 40 loại có thể nhiễm vào vùng sinh dục như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, trực tràng, hậu môn, dương vật và bìu cũng như miệng và cổ họng. Những loại HPV này lây lan trong quá trình quan hệ tình dục.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục hoàn toàn không gây hại và tự biến mất. Nhưng một số loại HPV có thể dẫn đến mụn cóc sinh dục hoặc một số loại ung thư.
- Hai loại HPV (loại 6 và 11) gây ra hầu hết các trường hợp mụn cóc ở bộ phận sinh dục, Những mụn này có thể nhỏ hoặc lớn, nhô hoặc bẹt và không gây đau. Mụn cóc không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể khó đối phó vì khả năng tái nhiễm sau điều trị. Tuy nhiên, mụn cóc sinh dục được coi là virus có nguy cơ thấp vì không dẫn đến ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Hơn 10 chủng virus HPV có thể dẫn đến ung thư, trong đó có 2 chủng đặc biệt (HPV 16,18 cũng là 2 túyp chính gây nên ung thư cổ tử cung và còn là tác nhân gây ra các loại ung thư như: Ung thư âm hộ (50%), Ung thư âm đạo (65%), Ung thư hầu họng (70%).
Virus HPV sau khi nhiễm vào cơ thể không gây triệu chứng, không có đau họng hoặc sốt nên người bệnh rất khó nhận biết. Trên thực tế, bạn có thể hoàn toàn không biết mình đã bị nhiễm bệnh cho đến khi trên cơ thể xuất hiện mụn cóc sinh dục hoặc làm xét nghiệm Pap do các triệu chứng bất thường khác.
Mặc dù virus HPV có thể không nổi tiếng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác như herpes hoặc giang mai, nhưng đây sự thật là virus gây bệnh STI phổ biến nhất. Nếu hoạt động tình dục, bạn có khả năng rất cao bạn sẽ bị nhiễm virus HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Đó là lý do tại sao tiêm vaccine HPV rất quan trọng.
2. Có mấy loại vaccine HPV?
Có hai vaccine HPV đã được sử dụng hiện nay có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật và hậu môn. Hai loại vaccine này có tác dụng chống lại hầu hết các mụn cóc sinh dục. Không có sự khác biệt nhiều giữa hai loại vaccine này, việc lựa chọn vaccine nào sẽ phụ thuộc vào bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng cùng một loại vaccine cho cả ba mũi tiêm.
Hiện nay ở Việt Namc có 2 loại vaccine phòng HPV đang được sử dụng: Vaccine Gardasil (Mỹ) và vaccine Cervarix (Bỉ). Hai loại vaccine này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng chủng virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Hai vaccine này cùng giúp bảo vệ bạn khỏi virus HPV chủng 16 và 18. Hai loại virus này được xem là nguy hiểm nhất vì chúng có thể gây ra các căn bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và hậu môn.
Ngoài ra, vaccine Gardasil cũng có tác dụng chống lại virus HPV chủng 6 và 11, hai chủng virus này có thể gây ra bệnh mụn cóc sinh dục.
Vaccine Gardasil (Mỹ)
Phòng 4 týp HPV (6, 11, 16 và 18), Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi
Gồm 3 mũi: Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.
Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên.
Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.
Tác dụng: Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn.
Vaccine Cervarix (Bỉ)
Phòng 2 týp HPV (16 và 18), Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 10 tuổi đến 25 tuổi
Gồm 3 mũi: Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.
Mũi 2: 1 tháng sau mũi đầu tiên
Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.
Tác dụng: Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
3. Bạn có cần phải tiêm vaccine HPV không?
Một thực tế cho thấy virus HPV rất dễ lây lan, theo một số thống kê thì có đến 20% trường hợp nhiễm HPV trong 4 tháng đầu phát sinh quan hệ tình dục và 50% trường hợp bị nhiễm HPV trong 2 năm đầu phát sinh quan hệ tình dục.
Virus HPV xâm nhập vào biểu mô cổ tử cung, tạo nên các biến đổi của tế bào và diễn tiến này kéo dài từ 10 đến 20 năm với biểu hiện từ tổn thương viêm nhiễm đơn giản đến tân sinh trong biểu mô, ung thư tại chỗ và xâm lấn
Tiêm vaccine có thể giúp giảm tỷ lệ nhiễm HPV. HPV được biết là gây ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật và hậu môn, cũng như ung thư phía sau cổ họng. Chỉ riêng ung thư cổ tử cung đã giết chết khoảng 4.000 phụ nữ mỗi năm ở Hoa Kỳ, cứ bốn người ở Hoa Kỳ thì có một người bị nhiễm virus HPV và hầu hết trong số họ đều không biết mình bị nhiễm loại virus này.
Tiêm vaccine có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm HPV (Ảnh minh họa: Pexels)
Nếu chưa tiêm vaccine, bạn rất có thể sẽ bị nhiễm virus HPV nếu có các yếu tố sau:
- Quan hệ tình dục không an toàn;
- Quan hệ tình dục đồng giới;
- Quan hệ nhiều bạn tình;
- Tiếp xúc với mụn cóc;
- Có hệ miễn dịch bị suy giảm;
- Dinh dưỡng kém.
4. Khi nào bạn nên chủng ngừa HPV?
Thời điểm tốt nhất để chủng ngừa HPV là trước khi bạn bắt đầu có hoạt động tình dục. Đó là lý do tại sao Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến nghị cả nam và nữ nên tiêm vaccine này ở tuổi 11 hoặc 12, hoặc mũi sớm nhất có thể bắt đầu khi 9 tuổi. Nếu trẻ 13 tuổi trở lên và chưa được tiêm phòng, bạn vẫn có thể tiêm vaccine khi qua tuổi 26.
Tại Việt Nam, vaccine phòng HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên độ tuổi an toàn để vacxin còn có hiệu quả cao nhất là dưới 26 tuổi và chị em phụ nữ chưa lập gia đình hoặc chưa quan hệ tình dục.
Các chuyên gia khuyến cáo, các chị em nên đi tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vaccine có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.
Mặc dù vaccine phòng HPV tại Việt Nam chỉ được chỉ định tiêm ở nữ giới, các nhà khoa học cho rằng các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể thu được lợi ích từ tiêm phòng HPV. Hiện nay, theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cần xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai, sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới, và nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật...)
5. Nếu đã trên 26 tuổi, liệu bạn có thể tiêm vaccine HPV không?
Vaccine Gardasil không được khuyến nghị cho những người trên 26 tuổi, vì chưa được nghiên cứu đầy đủ ở nhóm tuổi này.
Mặc dù vaccine HPV được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn sẽ được tiêm cho đến tuổi 45, nhưng vaccine HPV không được khuyến nghị cho tất cả người trưởng thành từ 27 đến 45 tuổi.
Thay vào đó, ACIP khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc thảo luận với người bệnh trong độ tuổi này xem xét liệu tiêm vaccine HPV có phù hợp với họ hay không. Tiêm vaccine HPV ở độ tuổi này mang lại ít lợi ích hơn vì nhiều người đã tiếp xúc với vi-rút HPV.
Hầu như các vaccine HPV không được khuyến nghị cho người từ 26 tuổi trở lên (Ảnh minh họa: Pexels)
6. Nếu đã bị nhiễm virus, liệu vaccine này có điều trị được không?
Nếu bạn bị nhiễm virus HPV thì vaccine HPV sẽ không điều trị khỏi tình trạng nhiễm trùng. Hiện nay không có cách nào để điều trị dứt điểm loại virus mà bạn đã nhiễm phải, mặc dù bác sĩ có thể loại bỏ các tổn thương quan sát bằng mắt thường và mụn sinh dục gây nên bởi HPV, nhưng họ không thể tiêu diệt được virus không giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục có căn nguyên vi khuẩn như lậu, Chlamydia hay giang mai, không có thuốc kháng sinh để chữa HPV. Chúng ta có thể tăng cường hệ thống miễn dịch để có thể hạn chế các thương tổn và một số loại tiền ung thư ở vùng hậu môn, âm đạo. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể phục hồi được các tổn thương. Thời gian trung bình từ khi nhiễm HPV (nguyên nhân gây mụn cóc) cho tới khi biến mất là 6-8 tháng. Đây là lý do tại sao bạn nên đi khám phụ khoa thường xuyên và xét nghiệm Pap (nếu là nữ) để sàng lọc ung thư cổ tử cung.
7. Vaccine HPV có bảo vệ tôi suốt đời không?
Vaccine HPV sẽ bảo vệ bạn lâu dài khỏi một số loại virus HPV, Vaccine có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm. Tuy nhiên, ngay cả những phụ nữ đã tiêm vaccine nên đi khám bác sĩ phụ khoa thường xuyên để xét nghiệm Pap để kiểm tra ung thư cổ tử cung, vì vaccine không bảo vệ có thể tránh khỏi tất cả các loại virus gây ung thư cổ tử cung.
8. Ai không nên tiêm vaccine HPV?
Một số người không nên tiêm vaccine trong trường hợp người đó có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine HPV hoặc với bất kỳ thành phần nào có trong loại vaccine này. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng hoặc bạn có vấn đề về hệ thống miễn dịch hoặc rối loạn đông máu.
Không nên tiêm vaccine HPV nếu:
- Nhạy cảm với men hoặc bất cứ thành phần nào của vaccine
- Đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng. Hãy điều trị dứt điểm mới bắt đầu tiêm vaccine.
- Bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.
- Đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Đã nhiễm vi khuẩn HPV.
Với người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine HPV thì không nên tiêm (Ảnh minh họa: Pexels)
9. Vaccine HPV có gây tác dụng phụ nào không?
Sau khi tiêm, bạn có thể có một số tác dụng phụ, nhưng hầu hết ở mức độ nhẹ như đau hoặc sưng tại chỗ tiêm, sốt, đau đầu và buồn nôn.
Đôi khi một số người bị ngất sau khi tiêm vaccine HPV hoặc bất kỳ loại vaccine nào khác. Do đó, sau khi tiêm, bạn nên ngồi xuống nhằm phòng tránh ngã chấn thương khi bị bất tỉnh và phòng tránh ngất.
Theo các chuyên gia cho biết, một loại vacxin nào dù có tốt và hiệu quả tới đâu cũng có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bởi vì tiêm vacxin có bản chất “chất lạ” đưa vào cơ thể nên sẽ có một số phản ứng nhằm chống lại chất “lạ” này. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau và hầu hết là nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm hoặc nổi mẩn đỏ.
Tuy nhiên một số trường hợp có phản ứng mạnh như sốt, co giật, sốc phản vệ hoặc thậm chí tử vong. Trên thực tế cùng tiêm một lô vacxin hoặc thậm chí cùng một lọ vacxin nhưng có rất ít người có phản ứng nghiêm trọng. Điều này được lý giải bởi cơ địa của người phản ứng chứ không phải do chất lượng vacxin kém.
Điều lưu ý là vacxin HPV không phòng ngừa được tất cả các chủng ngừa, trong khi typ 16 và 18 là hai typ có nguy cơ gây mắc ung thư cao nhất. Điều này cho thấy mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng phụ nữ cũng cần đi tầm soát để phát hiện nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung từ các typ khác.
Loại vaccine HPV đã được sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây và rất an toàn. Các tác dụng phụ này rất hiếm khi xảy ra, nên các chuyên gia y tế khuyến cáo các chị em không nên quá lo lắng.
Nguồn: Vinmec, WebMD
Xem thêm