16 BÍ QUYẾT ĂN UỐNG KHỎE MẠNH NGÀY TẾT
Những ngày Tết đang cận kề, ai ai trong chúng ta cũng mong muốn mình được đón năm mới với 1 cơ thể khỏe mạnh. Nhưng những thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học chắc chắn sẽ làm cơ thể mệt mỏi và uể oải. Vì vậy, hãy thử tham khảo ngay 16 bí quyết ăn uống đảm bảo sức khỏe trong ngày Tết nhé!
1. Ăn mứt, bánh kẹo, các loại hạt khô với lượng vừa phải
Để có 1 cơ thể khỏe mạnh, vui chơi vào ngày Tết thì đầu tiên bạn phải ăn với 1 lượng vừa phải đặc biệt là mứt, bánh kẹo và các loại hạt.
Chúng ta đều biết những loại thức ăn này nếu ăn quá nhiều thì sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như sâu răng, thừa cân, nóng trong người và nguy cơ gây nên bệnh đái tháo đường.
Vì vậy, chúng ta nên ăn mứt, bánh kẹo, các loại hạt khô với 1 lượng vừa phải và đừng quên kết hợp chúng với các loại thực phẩm khác như rau và trái cây nhé!
2. Nên ăn một cách tập trung
Vào thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh mọi người vừa ăn vừa xem ti vi hay sử dụng điện thoại.
Và thói quen tưởng chừng như vô hại này lại cực kỳ gây hại cho cơ thể, bởi chúng sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa và bệnh đau dạ dày.
Chính vì thế, khi ăn uống, chúng ta hãy tập trung ăn để có 1 hệ tiêu hóa thật khỏe mạnh và đón Tết thật vui nha!
3. Không để bụng quá đói
Nếu để bụng quá đói, cơ thể sẽ không đủ năng lượng để tiêu hóa các món khó tiêu nhiều dầu mỡ như thịt kho, gà quay, vịt luộc,... về lâu dài dễ dẫn đến các bệnh như đau dạ dày, bệnh về đại tràng, tim mạch,...
Đặc biệt, khi bụng đói nếu bạn uống rượu bia ngay sẽ tác động xấu, cản trở quá trình chuyển hóa đường trong gan, làm cơ thể bạn có nguy cơ bị đường huyết thấp.
Để hạn chế tình trạng này bạn nên ăn đúng giờ, không bỏ bữa, bên cạnh đó nếu quá đói bạn nên ăn những món ít dầu mỡ như salad, súp,... và nếu có uống rượu bia hãy ăn món nào đó có chứa chất đường sẽ tốt hơn cho cơ thể của bạn.
4. Không uống rượu, bia, nước ngọt cùng lúc
Bia và nước ngọt chứa chứa nhiều cacbonic làm quá trình thẩm thấu cồn vào cơ thể nhanh hơn.
Vì vậy khi bạn sử dụng cùng lúc với rượu khiến cồn thẩm thấu vào cơ thể cực nhanh mà gan không chuyển hóa kịp. Như vậy bạn sẽ bị say rượu tồi tệ hơn, thậm chí ngộ độc cồn gây nguy hiểm.
Để không rơi vào những tình huống không mong muốn do say rượu gây ra, bạn hãy chỉ uống 1 loại thức uống có cồn cùng nước lọc, đây cũng là cách giảm tác hại của rượu, bia, vừa làm bạn lâu say hơn đấy.
Bạn không nên uống rượu, bia và nước ngọt cùng một lúc (Ảnh minh họa: Pexels)
5. Không uống trà sau khi uống rượu, bia
Nhiều người có thói quen uống trà sau bữa nhậu, tuy nhiên thói quen này cực kỳ không tốt cho sức khỏe tim, thận.
Rượu là chất kích thích làm tinh thần hưng phấn, tim đập nhanh hơn, nếu dùng thêm trà tim lại chịu thêm sự tác động của chất kích thích khác càng làm tim nhanh mệt, sức khỏe bạn sẽ bị giảm sút, yếu dần theo thời gian.
Tương tự như vậy, khi bạn uống rượu, thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải chất độc ra ngoài cơ thể.
Trong lúc này bạn uống thêm trà, thận sẽ làm việc gấp đôi để đảo thải cả 2, nếu không làm việc kịp, các chất này sẽ ứ đọng lại ở thận làm thận yếu đi thậm chí gây sỏi thận, suy thận.
6. Không tắm ngay sau khi uống rượu, bia
Sau khi sử dụng rượu bia, tim đập nhanh hơn, lượng đường trong máu giảm, gan hoạt động nhiều hơn, trao đổi chất tăng.
Ngay khi đó bạn đi tắm, đặc biệt là tắm nước nóng, sẽ làm tim đập càng nhanh hơn, lượng đường trong máu càng giảm, quá trình trao đổi chất tăng mạnh hơn, gan càng làm việc nhiều hơn.
Như vậy lượng đường huyết và thân nhiệt sẽ giảm đột ngột, gây nguy hiểm đến sức khỏe thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy dù cảm thấy khó chịu nóng bức đến mấy, bạn cũng nên giải rượu rồi mới tắm nhé.
7. Không nên bỏ bữa
Dù cho có bận rộn hay đang có kế hoạch giảm cân để diện đồ đẹp vào dịp Tết thì bạn cũng không nên bỏ bữa bởi nó sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cơ thể mà bạn khó lường trước được.
Việc bỏ bữa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa bởi lượng axit trong dạ dày vẫn được tạo ra mặc dù không có gì để nó tiêu hóa. Đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến việc đau bụng, táo bón hay viêm loét dạ dày.
Bên cạnh đó, bỏ bữa trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể dần dần giảm sút sức đề kháng và hệ miễn dịch.
8. Nên ăn đúng giờ
Bên cạnh việc không nên bỏ bữa thì việc ăn đúng giờ đúng bữa sẽ giúp bạn tạo được thói quen sinh học tốt và có một hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
Dù là bữa ăn nào trong ngày đi nữa thì bạn cũng nên dùng bữa đúng giờ.
Từ 6:00 - 8:00 là thời gian thích hợp để bạn dùng bữa sáng, 11:00 - 12:00 là thời gian dành cho buổi trưa và thời gian bữa tối phù hợp nhất đó chính là từ 18:00 - 19:00.
9. Tránh vận động ngay sau bữa ăn
Sau bữa ăn bạn chỉ nên vận động nhẹ để dễ tiêu hóa thức ăn, tránh vận động mạnh sẽ dễ gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và tăng nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày.
10. Không ăn trái cây ngay sau khi ăn
Thói quen ăn trái cây ngay sau bữa ăn là thói quen mà nhiều người dễ mắc phải.
Điều này không có lợi cho cơ thể bởi vì trong trái cây thường chứa một lượng axit và đường, tinh bột,... khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa bị trì trệ, suy giảm dạ dày, ruột,... và dẫn đến chức năng của hệ tiêu hóa sẽ bị giảm sút.
Thời gian tốt nhất để bạn ăn trái cây là trước bữa ăn 1:00 hoặc sau bữa ăn 2:00.
11. Nên chọn thực phẩm an toàn trong ngày Tết
Vào những ngày Tết việc chọn lựa thức ăn an toàn là điều vô cùng cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Cần phối hợp nhiều loại thực phẩm và đa dạng hóa các bữa ăn hàng ngày. Trong bữa ăn nên có đầy đủ các chất dinh dưỡng từ động vật, thực vật như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và hoa quả.
Nếu gia đình bạn là một gia đình có nhiều thế hệ thì bạn nên xây dựng một chế độ ăn khoa học và dinh dưỡng cho đầy đủ tất cả các thành viên trong nhà trong dịp Tết này nhé!
Chọn thức ăn an toàn vào ngày Tết là điều vô cùng quan trọng (Ảnh minh họa: Pexels)
12. Chọn thực phẩm ít béo, ít calo
Các món ăn truyền thống vào những ngày lễ Tết luôn chứa nhiều chất béo, tinh bột và đa số là thực phẩm chứa nhiều calo.
Chính vì vậy, bên cạnh các món ăn truyền thống bạn nên xen kẽ đưa vào thực đơn gia đình những bữa ăn với thực phẩm chứa ít calo và giảm đi một nửa lượng dầu mỡ khi chế biến.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các loại bia rượu và nước ngọt có hàm lượng calo thấp để giảm đi lượng chất béo và calo nạp vào cơ thể.
13. Tập trung vào chất đạm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất đạm là chất giúp cơ thể nó lâu, vì thế bổ sung chất đạm vào thực đơn gia đình vào những ngày Tết sẽ giúp bạn giảm đi sự thèm ăn.
Bên cạnh đó, việc tập trung vào chất đạm cũng giúp bạn giảm cân và hỗ trợ duy trì cân nặng theo mong muốn.
14. Cân bằng bữa ăn với nhiều trái cây và rau quả
Các chất xơ và vitamin trong trái cây, rau quả giúp tạo cảm giác no lâu và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Nhờ việc nhanh no, lâu đói khi ăn các loại rau quả, trái cây sẽ giúp bạn hạn chế cảm giác thèm ăn và giảm được lượng thực phẩm nạp vào cơ thể.
15. Uống đủ nước
Khi cơ thể thực sự khát, nó sẽ tự gửi tín hiệu đói đến não. Chính vì vậy, việc uống đủ nước sẽ giúp bạn chống lại các cơn đói giả và không ăn quá nhiều vào bữa ăn.
Bên cạnh đó, uống nước ấm sẽ giúp cho việc tiêu hóa và quá trình trao đổi chất diễn ra dễ dàng hơn. Đặc biệt, uống nước ấm sẽ giúp bạn giảm cân và làm hết các triệu chứng đầy hơi.
16. Duy trì tập thể dục thường xuyên
Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm an toàn, dinh dưỡng vào ngày Tết và duy trì các thói quen ăn uống tốt cho cơ thể thì việc tập thể dục thường xuyên là vô cùng cần thiết.
Tập thể dục sẽ giúp bạn đốt cháy lượng calo nạp và chất béo dư thừa được nạp vào cơ thể những ngày Tết.
Quan trọng hơn cả là việc duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn có 1 cơ thể khỏe mạnh và phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Nguồn: dienmayxanh
Xem thêm